80% tàu đóng mới theo nghị định 67 tại Quảng Ngãi đánh bắt không hiệu quả

2 năm trước 166
80% tàu đóng mới theo nghị định 67 tại Quảng Ngãi đánh bắt không hiệu quả - Ảnh 1.

Tàu cá QNg 909.99 có giá trị gần 14 tỉ đồng nhưng thông báo đấu giá với giá khởi điểm 2 tỉ đồng đã không có hồ sơ nào đăng ký đấu giá - Ảnh: TRẦN MAI

Ngày 19-3, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết khoảng 80% tàu cá đóng mới từ vốn vay ưu đãi theo nghị định 67 đánh bắt không hiệu quả. Hiện có 7 tàu (5 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ gỗ) đã bị khởi kiện, đấu giá để thi hành án.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, năm 2014 nghị định 67 được áp dụng với mong muốn hiện đại hóa đội tàu cá, phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Các năm sau đó, 62 tàu (11 tàu vỏ thép, 51 tàu vỏ gỗ) lần lượt hạ thủy đánh bắt. Tuy nhiên các tàu lần lượt thua lỗ, nhiều tàu đành phải nằm bờ vì chủ tàu không còn khả năng tiếp tục ra khơi.

Lý giải nguyên nhân thất bại của "tàu cá 67", lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho rằng do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt bởi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng lưới rê và tần suất khai thác quá lớn; giá nhiên liệu "leo thang" cộng với giá thủy sản lao dốc khiến các chủ tàu buộc phải cho tàu "nằm bờ"; chủ tàu không thật sự có trách nhiệm trong đánh bắt, có thái độ thờ ơ; thiếu bạn tàu đi biển...

"Không thể nói tàu vỏ thép không phù hợp với ngư dân dẫn đến đánh bắt không hiệu quả. Bởi tàu vỏ thép của ngư dân từ nguồn vốn của quỹ hỗ trợ ngư dân trong thời gian qua đánh bắt hiệu quả. Tôi nghĩ thất bại này có một phần trách nhiệm của ngư dân", vị này nói.

80% tàu đóng mới theo nghị định 67 tại Quảng Ngãi đánh bắt không hiệu quả - Ảnh 2.

Tàu QNg 909.99 hiện hư hỏng nhiều vị trí - Ảnh: TRẦN MAI

Lãnh đạo một ngân hàng tham gia cho vay vốn theo nghị định 67 cho biết rất xót xa khi phải đưa ngư dân ra tòa để giải quyết nợ xấu. Bởi khi cho vay, phía ngân hàng mong ngư dân đánh bắt hiệu quả, nhanh chóng trả nợ và lãi vay.

"Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại, tất cả các tàu chúng tôi đã và sắp đưa ra tòa đều ngừng trả lãi và nợ từ lâu. Thật sự có đấu giá con tàu cũng không thể thu hồi được vốn vay. Thậm chí tàu đấu giá không ai mua", đại diện một ngân hàng nói.

Điển hình là tàu cá vỏ thép QNg 909.99 của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hạ thủy năm 2016 hoạt động được một thời gian ngắn, đến tháng 3-2018 ông Hân cho tàu neo bờ vì đánh bắt không hiệu quả, máy móc liên tục hư hỏng...

Hiện tại, tàu cá QNg 909.99 đang neo đậu tại cảng Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi để đấu giá, thi hành án. Con tàu trị giá gần 14 tỉ đồng hiện hư hỏng khá nghiêm trọng.

Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tỉnh Quảng Ngãi, tàu QNg 909.99 được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, hết thời hạn mà không có người đăng ký tham gia đấu giá (từ ngày 25-2 đến 11h ngày 14-3) nên phiên đấu giá bất thành.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, trong 62 tàu đóng mới từ vốn vay nghị định 67 có 11 tàu vỏ thép và 51 tàu vỏ gỗ với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỉ đồng. Nhưng nếu đấu giá thi hành án, số tiền thu hồi sẽ rất nhỏ bởi không có hoặc rất ít người đăng ký đấu giá.

Tàu đánh cá vỏ thép khủng nhất Quảng Ngãi - đóng theo nghị định 67 - bị bán đấu giá thi hành ánTàu đánh cá vỏ thép khủng nhất Quảng Ngãi - đóng theo nghị định 67 - bị bán đấu giá thi hành án

TTO - Một tàu vỏ thép ‘khủng’ - ngư dân đóng từ hơn 13 tỉ đồng vay ngân hàng ưu đãi theo nghị định 67 - phải bán đấu giá để thi hành án.

Nguồn bài viết