6 dự luật sẽ trở thành 'cơn ác mộng' của Big Tech

3 năm trước 326
Sau 2 năm điều tra và 1 phiên tranh luận kéo dài 30 giờ, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu để thông 6 dự luật gây ảnh hưởng đến Big Tech trong tương lai. Tuy nhiên, một số dự luật cũng vấp phải sự phản đối vì nội dung còn quá mơ hồ, tạo rủi ro cho bảo mật dữ liệu, cũng như có thể gây ra một số hậu quả không mong muốn cho các công ty công nghệ nhỏ hơn...
Bất chấp những lo ngại đó, phần lớn vẫn ủng hộ các dự luật. Điều này có nghĩa là người dân Mỹ sẽ phải chứng kiến nhiều cuộc vận động hành lang rầm rộ từ các công ty Big Tech, nhiều cuộc tranh luận từ các nhà chức trách có liên quan.
Trang Gizmodo điểm qua nội dung 6 dự luật nhắm tới Big Tech:

Đạo luật lựa chọn và cách tân trực tuyến của Mỹ

Dự luật này cấm các công ty lớn ưu tiên sản phẩm của mình trên nền tảng riêng, chèn ép các đối thủ cạnh tranh. Dự luật sẽ nhắm vào Amazon, công ty nhiều lần bị bắt quả tang lén đưa sản phẩm từ 100 thương hiệu thuộc sở hữu của mình lên đầu kết quả tìm kiếm, đồng thời thu thập dữ liệu từ những người bán khác để tạo ra thương hiệu riêng.
Google cũng thường tự ưu tiên sản phẩm trên kết quả tìm kiếm. Chẳng hạn khi người dùng muốn đi du lịch, các quảng cáo từ Google Flights hay Google Hotels sẽ hiện lên đầu tiên. Sau khi dự luật được thông qua, quảng cáo từ các công ty như Expedia hay United Airlines sẽ có cơ hội chiếm sóng.
Các công ty vi phạm sẽ phải trả tiền phạt lên đến 15 - 30% tổng doanh thu ở Mỹ. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) sẽ lập văn phòng riêng có nhiệm vụ thực thi các luật mới. 

Đạo luật cơ hội và cạnh tranh trên nền tảng

Dự luật này cấm những nền tảng có từ 50 triệu người dùng Mỹ trở lên - như Facebook, Google, Apple, Amazon - nắm giữ hơn 1/4 cổ phiếu của đối thủ cạnh tranh, nhằm ngăn những công ty này "nuốt sống" đối thủ. Cụ thể, Facebook đã sao chép, mua lại, chèn ép các ứng dụng cạnh tranh bằng chiến thuật tương tự để duy trì vị thế trên thị trường mạng xã hội. "Gã khổng lồ" mạng xã hội từng bị điều tra chống độc quyền vì mua lại Instagram và WhatsApp.

Doanh thu, lợi nhuận Facebook và Apple tăng cao vượt dự đoán

Đạo luật kết thúc độc quyền nền tảng

Đây là dự luật gây tranh cãi nhất, chỉ được thông qua với tỷ lệ 21-20 sau nhiều giờ tranh luận. Theo dự luật này, Amazon có thể phải ngừng kinh doanh các thương hiệu riêng trên nền tảng, Apple sẽ không được cài sẵn các ứng dụng của mình trên thiết bị và phải thay đổi mảng kinh doanh trên App Store.
Tranh cãi bắt đầu khi nhiều chuyên gia pháp lý lập luận dự luật sẽ ngăn các "gã khổng lồ" công nghệ cạnh tranh với nhau và người tiêu dùng sẽ không có lợi. Ví dụ, Apple không thể phát triển công cụ tìm kiếm để cạnh tranh với Google, Google sẽ phải bán YouTube nên không thể "so kè" cùng Netflix.  
Vài người cho rằng dự luật hiện tại còn quá bao quát, chưa có hướng dẫn cụ thể. Dự luật có yêu cầu Apple "khai tử" App Store và các phần mềm iOS? Liệu những sản phẩm phần cứng của Apple như Apple Watch có được tính vào đây? Không có phân loại rõ ràng, FTC sẽ loay hoay khi đưa luật vào thực thi.

Đạo luật tăng cường khả năng tương thích và cạnh tranh bằng cách cho phép chuyển đổi dịch vụ

Mục tiêu chính của dự luật này là giúp người sử dụng các nền tảng như Facebook và YouTube được minh bạch kiểm soát dữ liệu cá nhân. Theo đó, họ có thể ngưng sử dụng một nền tảng nhưng vẫn có thể trò chuyện, check-in với bạn bè và người thân đang dùng nền tảng đó. Họ được quyền yêu cầu công ty chuyển dữ liệu của mình sang nền tảng khác.
Ví dụ, bạn có thể từ bỏ Facebook nhưng vẫn liên lạc với người nhà qua Messenger mà không cần kích hoạt lại tài khoản. Dẫu thế, đạo luật này vẫn còn nhiều lỗ hổng. Nó tạo ra nhiều rủi ro mới khi luồng dữ liệu được chuyển giao giữa các công ty, cho phép họ lợi dụng kẽ hở trong luật để khai thác dữ liệu người dùng nhiều hơn. Đối với trường hợp nêu trên, Facebook có thể tiếp tục thu thập thông tin cá nhân của người dùng trên Messenger, ngay cả khi người đó đã đóng băng tài khoản. 

Giữa căng thẳng với Facebook, CEO Apple phát biểu lên án mạng xã hội

Đạo luật về địa điểm thực thi chống độc quyền tại tiểu bang

Được tạo ra nhằm ngăn chặn các "ông lớn" công nghệ chuyển thủ tục chống độc quyền sang các tòa án ưu ái hơn với các tập đoàn, làm tăng chi phí kiện tụng. Ví dụ, Google từng cố gắng đưa vụ kiện với bộ trưởng tư pháp bang Texas về "sân nhà" California để khiến vụ án chậm đưa ra xét xử hơn. Nếu dự luật được thông qua, Google sẽ không thể làm điều này. 

Đạo luật nộp phí sáp nhập đổi mới

Theo dự luật này, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) và FTC sẽ được cấp 670 triệu USD để điều hành các bộ phận chống độc quyền. Dự luật cũng yêu cầu các công ty Big Tech phải trả phí nhiều hơn để thực hiện các giao dịch lớn như sáp nhập.
Chẳng hạn, nếu hai tập đoàn lớn thực hiện giao dịch trị giá 920 triệu USD, họ phải trả 280.000 USD cho FTC. Chi phí nộp cho FTC có thể ở mức 400.000 USD nếu giao dịch trong khoảng 1 - 2 tỉ USD, 800.000 USD cho giao dịch từ 2 - 5 tỉ USD, và 2, 25 triệu USD đối với giao dịch trên 5 tỉ USD.
Nguồn bài viết