Cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ Drepano, Hy Lạp, vì lạnh - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, xác cá chẽm bắt đầu nổi lên trên bề mặt trại cá Richo thuộc hồ Drepano (Hy Lạp) vào sáng 25-1, sau khi nhiệt độ dưới nước xuống thấp tới 0 độ C.
Trại cá trên có hơn 600.000 con cá thuộc nhiều loài khác nhau. Ngoài cá chẽm, các loài cá khác không bị ảnh hưởng vì đợt lạnh.
"Sự tàn phá rất lớn, khoảng 50 tấn cá đã chết" - ông Ioannis Ouzounoglou, người làm việc tại trại cá trên, cho biết. "Tất cả những năm qua tôi đều làm việc đo và ghi nhận nhiệt độ trong khu vực này, nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày nhiệt độ thấp như vậy tại đây".
Hàng trăm ngàn con cá nuôi tại một trại cá ở Hy Lạp đã chết vì lạnh - Video: VEUER
Không chỉ Hy Lạp, các quốc gia khác trong khu vực cũng phải hứng chịu một đợt rét hiếm có này.
Nhà khoa học Konstantinos Perdikaris từ Sở Thủy sản Hy Lạp cho biết việc nuôi cá trong các trại cá khiến chúng không thể bơi ra vùng nước sâu hơn của hồ hoặc biển để sống khi nhiệt độ thay đổi.
Đến thăm trại cá Richo từ hôm 25-1, ông Perdikaris nhận định cá chết vì sốc nhiệt. Theo ông, cá chẽm nhạy cảm với nhiệt độ thấp hơn những loài cá khác và không thể sống sót dưới 4 độ C.
Cá ở Richo sống ở điều kiện nước nông, khiến cái lạnh xâm nhập vào nước nhanh hơn. Nhiệt độ thông thường trong trại cá vào thời điểm này trong năm khoảng 7-8 độ C.
Video của máy bay không người lái cho thấy hàng nghìn con cá chết nổi trên mặt nước và trên bờ.
"Mọi năm chúng tôi đều thả chúng về hồ, nhưng tiếc là năm nay chúng tôi không thể thả chúng kịp thời vì sương giá (đến rất nhanh)", Ouzounoglou nói.
Động vật rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thời tiết cực đoan, đặc biệt là các đợt lạnh.
Trong khi đó, theo trang The Mirror, tại tiểu bang Florida (Mỹ), nhiệt độ giảm mạnh đã khiến nhiều con cự đà bị choáng và "rớt" la liệt trên mặt đất trong trạng thái tê cứng.
"Mưa cự đà" đã trở thành hiện tượng khá phổ biến những năm gần đây tại Florida. Nhiều người dân địa phương thậm chí đùa rằng Florida chỉ có hai mùa là mùa bão và "mùa cự đà rơi rụng".
Khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông, loài cự đà thường leo lên các ngọn cây cao vào ban ngày để sưởi nắng.
Tuy nhiên, thời tiết quá lạnh có thể khiến chúng bị choáng, tê cứng rơi xuống đất.
"Chúng vẫn còn sống nhưng rơi vào trạng thái đông cứng. Khi nhiệt độ ấm lên, những sinh vật máu lạnh này sẽ cựa quậy trở lại", chuyên gia thời tiết Vivian Gonzalez viết trên Twitter.