5 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế của TP.HCM đều tích cực

3 năm trước 704
5 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế của TP.HCM đều tích cực - Ảnh 1.

Đợt dịch COVID-19 thứ 4 tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của TP.HCM. Trong ảnh: chợ Bến Thành vắng vẻ vào trưa 11-6 - Ảnh: NGỌC HIỂN

Chiều 11-6, UBND TP.HCM tổ chức họp về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 6.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết trong 5 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội ghi nhận những tín hiệu tích cực khi các chỉ số đều tăng.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 456.104 tỉ đồng, tăng 8,9%. Trong đó, thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5%, còn dịch vụ lưu trú, ăn uống lại có dấu hiệu phục hồi khi tăng đến hơn 30%.

Theo ông Phong, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 174.608 tỉ đồng, đạt gần 48% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng 15,1% khi đạt 19,63 tỉ USD, giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao từ Khu công nghệ cao TP.HCM đạt 8,37 tỉ USD, tăng hơn 26%.

Mặc dù trung bình mỗi ngày TP thu được gần 1.800 tỉ đồng, cao hơn mức trung bình phải thu trong năm nhưng do tình hình dịch bệnh, ông Phong cho rằng thu ngân sách sẽ gặp khó khi dịch bệnh ảnh hưởng đến TP từ tháng 5 đến nay.

Chủ tịch UBND TP cho hay dù các tháng đầu năm kinh tế TP phục hồi, song từ cuối tháng 5 đến nay thực hiện giãn cách xã hội nên những hệ quả của việc giãn cách này sẽ tác động đến mọi mặt, không chỉ tháng 6 mà các tháng tiếp theo.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021 có gần 6.500 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 89,69% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, thời gian qua các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có 2.458 doanh nghiệp giải thể (tăng 5%) và 9.849 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng gần 24% so với cùng kỳ 2020).

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp đăng ký thành lập thì có đến gần 68% là doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm 8%.

Đề xuất sàng lọc toàn bộ người dân để tiêm vắc xin

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề xuất các sở, ngành nghiên cứu phương án chuẩn bị khai báo y tế toàn người dân TP để sàng lọc, xác định các đối tượng tiêm vắc xin. Theo ông Hoan, cần phải sàng lọc ngay hiện nay để khi có vắc xin, xác định được ai đủ sức khỏe thì tiêm trước, ai có bệnh nền thì tiêm ở bệnh viện để theo dõi.

Về kế hoạch nhập vắc xin, ông Hoan cho hay TP đã đàm phán với doanh nghiệp để nhập 5 triệu liều, hiện đang xin Bộ Y tế để thẩm định kho lưu trữ. Ông Hoan cho hay do số lượng vắc xin rất hạn hẹp nên cần phải ưu tiên các bộ phận chống dịch, sân bay, cảng biển, vận tải, đội hình phục vụ chống dịch... Hiện TP đã ký văn bản để xin Bộ Y tế nhận thêm 70.000 liều vắc xin.

Nói thêm về việc tiêm vắc xin, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng Sở Y tế phấn đấu 2/3 người dân sẽ được tiêm vắc xin vào cuối năm nay, song còn phải phụ thuộc việc cung ứng vắc xin theo từng giai đoạn.

Do đó, cần xác định đối tượng ưu tiên, sàng lọc sức khỏe người dân để xác định những người bị dị ứng, sức khỏe đảm bảo để tiêm khi có vắc xin.

Giải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp TP.HCM kỳ vọng hiện nay là vắc xin, vắc xin và vắc xinGiải pháp duy nhất mà các doanh nghiệp TP.HCM kỳ vọng hiện nay là vắc xin, vắc xin và vắc xin

TTO - Kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng chỉ có triển khai nhanh tiêm vắc xin thì cuộc sống mới sớm trở lại bình thường, các hoạt động sản xuất, cung ứng không bị đứt gãy và bảo đảm tăng trưởng kinh tế.

Nguồn bài viết