Tổng cục Thuế vừa báo động về tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu giả, hoàn thuế thật - Ảnh: A.H.
Theo đó, Tổng cục Thuế đề nghị báo cáo về việc hoàn thuế của Công ty CPTM Sài Gòn Tây Nam, Công ty TNHH quốc tế Hoàng Nam Anh, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức và một số công ty có liên quan trong số 70 doanh nghiệp được xác định.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế gồm Tây Ninh, Long An, Đồng Nai tiến hành thu hồi tiền hoàn thuế, đồng thời kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng cho các công ty xuất khẩu hoàn thuế nói trên.
Trong đó có thể trao đổi về kinh nghiệm, phương pháp với Cục Thuế TP.HCM do nơi này vừa qua đã ban hành quyết định truy thu gần 400 tỉ đồng thuế với Thu Duc House (nhưng Tòa án nhân dân TP.HCM đã ban hành quyết định khẩn cấp tạm thời ngăn chặn thực hiện quyết định này).
Đồng thời tất cả cục thuế cả nước cũng phải cùng kiểm soát việc hoàn thuế GTGT với các doanh nghiệp có rủi ro cao.
Văn bản được Tổng cục Thuế phát đi sau khi nơi này nhận được báo cáo từ Tổng cục Hải quan, trong báo cáo này nêu kết quả điều tra xác minh của Tổng cục Hải quan, qua đó xác định Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) và Công ty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền thuế GTGT hơn 336 tỉ đồng.
Cụ thể, từ năm 2017 - 2019, Thu Duc House lập 501 tờ khai xuất khẩu linh kiện điện tử (xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia…) với giá trị gần 5.286 tỉ đồng, đã nhận tiền hoàn thuế gần 261 tỉ đồng.
Trong khi đó Công ty Sài Gòn Tây Nam (trụ sở Tây Ninh) đã xuất khẩu linh kiện trị giá hơn 1.645 tỉ đồng và nhận tiền hoàn thuế hơn 75 tỉ đồng.
Tuy nhiên theo kết quả xác minh và thông tin thu được từ các chi cục thuế thì phần lớn doanh nghiệp bán hàng cho hai doanh nghiệp này đều không có tại địa chỉ đăng ký, thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, thông tin về chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật…
Theo kết quả xác minh tại Hong Kong thì 3 lô hàng của Thu Duc House không được nhập khẩu vào Hong Kong; còn xác minh tại 2 công ty nhập khẩu ở Campuchia thì không có dữ liệu nhập khẩu.
Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng giám định một số dữ liệu, hợp đồng với phía đối tác nước ngoài có dấu, chữ ký nhưng bị chỉnh sửa. Kết quả phá án, Cục Cảnh sát C03 đã bắt 20 đối tượng, thu giữ 200 con dấu của các tổ chức trong và ngoài nước.
Trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan và tài liệu thu giữ của đối tượng, doanh nghiệp có liên quan, cơ quan hải quan xác định có 70 doanh nghiệp có liên quan đến vụ án, trong đó có cả những doanh nghiệp "ma" (doanh nghiệp không có thật). Một số doanh nghiệp do các đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội.
Tổng cục Hải quan cho rằng đây là vụ án lớn, có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều doanh nghiệp. Phương thức thủ đoạn chính là thành lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa với giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ để xuất khẩu, sau đó làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Từ đó nơi này đề xuất Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát, thu hồi số tiền hoàn thuế với hai doanh nghiệp trên, đồng thời xem xét tạm dừng hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có giá trị tính thuế khai báo lớn như linh kiện điện tử, tranh nghệ thuật bằng gỗ tràm… Song song đó hai cơ quan ngồi lại rà soát các quy định nhằm bít các kẽ hở mà doanh nghiệp lợi dụng lách luật.