4 yếu tố dinh dưỡng, 4 khía cạnh tâm lý giúp cha mẹ và trẻ em vượt COVID-19

3 năm trước 242
4 yếu tố dinh dưỡng, 4 khía cạnh tâm lý giúp cha mẹ và trẻ em vượt COVID-19 - Ảnh 1.

Chương trình giao lưu trực tuyến "Đại sứ Lan tỏa yêu thương" tối 30-10 - Ảnh: HÀ THANH chụp lại

Tối 30-10 diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến "Đại sứ Lan tỏa yêu thương" đầu tiên với chủ đề Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chương trình do Trung ương Đoàn chỉ đạo Thành đoàn và Hội đồng Đội TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children).

Bác sĩ Trần Mỹ Loan, chuyên khoa 1 nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chia sẻ trẻ em bị nhiễm COVID-19 gặp các triệu chứng giống người lớn nhưng nhẹ hơn, gồm: sốt, ho, sổ mũi, đau họng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, một số trẻ nhỏ bỏ bú, chán ăn.

Bác sĩ Loan cho biết, nếu sau một đợt cấp tính từ 5 - 7 ngày, trẻ được chăm sóc tốt sẽ khỏi nhanh, gần như ít có di chứng. Chỉ có 1/1.000 trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống, xảy ra sau 2 - 4 tuần sau đợt cấp tính nhưng rất hiếm gặp ở trẻ em.

4 yếu tố dinh dưỡng, 4 khía cạnh tâm lý giúp cha mẹ và trẻ em vượt COVID-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Mỹ Loan chia sẻ về dinh dưỡng giúp trẻ vượt COVID-19 - Ảnh: HÀ THANH chụp lại

Tuy nhiên trẻ lại gặp phải ảnh hưởng lớn về sức khỏe tinh thần. Theo bác sĩ Loan, nguyên nhân của tình trạng này là do thay đổi thói quen sinh hoạt ở nhà, phải học online mà không được đến trường, mất liên kết với xã hội, không được giao tiếp với bạn bè, và đặc biệt là sự căng thẳng của phụ huynh ảnh hưởng tới trẻ rất nhiều.

"Những căng thẳng đó đã ảnh hưởng đến cả đứa nhỏ, những ảnh hưởng từ ba mẹ còn nặng nề hơn từ ngoài xã hội" - bác sĩ Loan nhấn mạnh.

Ngoài ra, ảnh hưởng của các thông số từ truyền thông gây nỗi sợ, lo âu cho trẻ và những mất mát từ gia đình (trẻ mất cha mẹ, cha hoặc mẹ, ông bà) sẽ ảnh hưởng lên trẻ đến những năm tháng về sau.

4 yếu tố dinh dưỡng, 4 khía cạnh tâm lý giúp cha mẹ và trẻ em vượt COVID-19 - Ảnh 3.

Tiến sĩ Lê Minh Công đưa ra 4 khía cạnh tâm lý giúp cha mẹ và trẻ vượt COVID-19 - Ảnh: HÀ THANH chụp lại

Tiến sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa công tác xã hội, trưởng ban chuyên môn chương trình vắc xin tinh thần (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG TP.HCM), đưa ra 4 khía cạnh về mặt tâm lý trong mùa dịch mà phụ huynh cần quan tâm để chăm sóc tốt hơn cho trẻ.

Trước hết, phụ huynh cần khỏe mạnh trước, phải rèn luyện, xây dựng đời sống an lạc về mặt tinh thần, hạnh phúc mới lan tỏa khỏe mạnh, hạnh phúc lên con cái.

Thứ hai, trong bất cứ giai đoạn nào, kể cả đại dịch hay không đại dịch, thì một trong những nguyên tắc quan trọng là truyền thông giao tiếp trong các thành viên gia đình. Cha mẹ cần tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu con cái, chấp nhận con cái khác biệt vô điều kiện, từ đó mới kết nối và yêu thương con cái được.

Thứ ba, cần duy trì nguyên tắc, quy tắc gia đình như ngày lễ tết, ngày sinh nhật để tạo ra niềm vui, sự gắn kết.

Thứ tư, duy trì thói quen hằng ngày, không chỉ với trẻ con mà còn cả cha mẹ.

"Nếu cha mẹ giữ được tất cả điều đó, con cái sẽ giữ được bình lặng, ổn định, khỏe mạnh, hạnh phúc. Chúng ta không trút cảm xúc tiêu cực lên con cái" - ông Công lưu ý.

Về mặt dinh dưỡng cho trẻ, bác sĩ Loan cũng lưu ý 4 yếu tố. Trước hết, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng phải đảm bảo trẻ được bú mẹ hoàn toàn, trên 6 tháng đảm bảo cho trẻ ăn đủ 4 nhóm: cân đối về lipid; 3 chất sinh năng lượng trong chế độ ăn; cân đối protein; cân đối về vitamin và chất khoáng.

Nếu trẻ bị nhiễm COVID-19 trong giai đoạn cấp tính, cha mẹ cần chuyển 4 nhóm dinh dưỡng sang dạng lỏng. Sau giai đoạn này, có thể chuyển sang thức ăn trẻ thích để trẻ dễ chấp nhận.

"Phải đảm bảo trong bữa ăn của trẻ có đạm, chúng ta biết đạm có trong trứng, sữa, thịt, cá, đậu đỗ, các loại hải sản. Đủ đạm thì trẻ mới có đầy đủ axit amin thiết yếu, đó là thành phần để tạo ra hormone dopamine (hormone hạnh phúc) - ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của các bé rất nhiều" - bác sĩ Loan cho biết.

Cùng với đó là cho trẻ vận động, đảm bảo giấc ngủ cho trẻ, cần khuyến khích cho trẻ nghe nhạc.

Bà Nguyễn Thị Nga, phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết, theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố, đến thời điểm này có hàng chục ngàn trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 22-10, có 2.401 em mồ côi, trong đó có 81 em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Trao 5 tỉ hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 tại TP.HCMTrao 5 tỉ hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 tại TP.HCM

TTO - Sáng 29-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao 5 tỉ đồng từ Quỹ 'Vì người nghèo' do trung ương hỗ trợ trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19 tại TP.HCM. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tiếp nhận hỗ trợ.

Nguồn bài viết