Trao giải nhất giải thưởng Loa Thành năm 2022 - Ảnh: BẢO KHANH
Ngày 23-12 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng Loa Thành lần thứ 32 - năm 2022.
Năm nay, giải thưởng Loa Thành nhận được 182 đồ án gửi về tham dự. Trong đó, có 111 đồ án chuyên ngành kiến trúc - quy hoạch, 34 đồ án xây dựng dân dụng - công nghiệp, 5 đồ án kinh tế và quản lý xây dựng, 10 đồ án hạ tầng kỹ thuật và môi trường xây dựng cùng 9 đồ án công trình giao thông đường thủy.
Ban tổ chức đã lựa chọn 56 đồ án để trao 3 giải nhất, 16 giải nhì, 15 giải ba và 22 giải khuyến khích.
Ba giải nhất thuộc về các đồ án: "Thiết kế nhánh ba cầu vượt nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây" của sinh viên Nguyễn Tấn Đạt (Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM); "Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ" của sinh viên Nguyễn Trường Duy (Trường đại học Kiến trúc TP.HCM) và "Thiết kế kiến trúc cảnh quan phân khu trung tâm di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên" của Lưu Dĩ Trung (Trường đại học Kiến trúc TP.HCM).
Phát biểu tại lễ trao giải, anh Nguyễn Minh Triết - bí thư Trung ương Đoàn, chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - cho biết trong suốt chặng đường 34 năm qua, đã có gần 4.000 đồ án tiêu biểu tham dự giải thưởng.
Đánh giá về chất lượng các đồ án năm nay, anh Triết cho biết các đồ án đoạt giải có sự đa dạng về thể loại đề tài cũng như cách tiếp cận theo xu hướng đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong nước và cập nhật các xu hướng phát triển kiến trúc và quy hoạch, ứng dụng công nghệ xây dựng hiện đại trên thế giới. Đồng thời, nhiều đồ án của sinh viên đã tập trung vào các vấn đề của xã hội như bền vững, xây dựng môi trường xanh, sử dụng năng lượng tái tạo…
Chia sẻ niềm vui nhận giải thưởng, tác giả Nguyễn Trường Duy (Trường đại học Kiến trúc TP.HCM) cho biết là sinh viên ngành kiến trúc, bạn mong muốn công trình kiến trúc trước hết phải phục vụ cho con người.
Do đó, với đồ án thiết kế "Bảo tàng địa chất vùng đất đỏ Đông Nam Bộ", Duy chia sẻ mong muốn đồ án được đưa vào thực tiễn để đóng góp thiết thực cho công cuộc khôi phục thiên nhiên sau những "vết cắt" do con người tạo ra trong quá trình khai thác khoáng sản.