3 lý do nên ngừng quy định 'cửa hàng tiện lợi phục vụ khách trong 500m'

2 năm trước 151
3 lý do nên ngừng quy định cửa hàng tiện lợi phục vụ khách trong 500m - Ảnh 1.

Cửa hàng tiện lợi nhờ đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại của khách hàng: tiện lợi mọi lúc mọi nơi - Ảnh: Tư liệu TTO

Theo quy định tại khoản 6 điều 5 dự thảo Quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại do Bộ Công thương xây dựng có quy định: "Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m". 

Mặc dù, dự thảo chỉ mới lấy ý kiến nhưng dư luận phản ứng khá quyết liệt, gay gắt về nội dung quy định này.

Theo quan điểm người viết, quy định như vậy là vô lý, bất khả thi. Bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, dưới góc độ kinh doanh thương mại, việc quy định về đối tượng phục vụ rõ ràng đây là quy định không hợp lý. Bởi mua bán, kinh doanh nếu đã là hàng hóa được phép lưu hành thì ai cũng có quyền mua, có quyền bán, chỉ trừ một số hàng hóa đặc biệt chẳng hạn như thuốc lá, rượu mạnh... chỉ bán cho người trên 18 tuổi mà thôi. Vì vậy, việc quy định này vừa gây khó khăn cho người bán và cả người mua.

Thứ hai, việc đưa ra các quy định này sẽ "đẻ" thêm quy trình, thủ tục và tạo ra những "điểm nghẽn", rào cản trong môi trường kinh doanh. Đặc biệt, nếu những quy định này được thông qua sẽ cản trở, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, làm xấu đi môi trường đầu tư, kinh doanh của đất nước. Trong khi cả hệ thống chính trị nỗ lực, thúc đẩy, cải thiện các tiêu chí, quy định nhằm hướng đến môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Thứ ba, nếu như lý giải của đại diện cơ quan xây dựng dự thảo khi cho rằng: "Quy định khoảng cách 500m là nhằm đảm bảo tính tiện lợi, thuận tiện trong tiếp cận mua sắm của người tiêu dùng", "không nhằm mục đích xử phạt" thì việc đưa ra quy định này là không cần thiết, "bỗng dưng nhức đầu" thêm vì nó vô thưởng, vô phạt không đâu, vào đâu.

Ngoài ra, quy định này lại rất khó thực hiện, thậm chí là bất khả thi. Bởi cửa hàng làm sao biết khách hàng đến từ đâu, khoảng cách bao xa? Nếu buộc khách hàng chứng minh thì họ chỉ có nước là mang theo căn cước công dân hoặc thông tin về nơi cư trú! Vậy quá ư là vô lý lắm hay sao?

Có thể khẳng định rằng, các văn bản quy phạm pháp luật mà không có tính quy phạm, bắt buộc thi hành thì tốt nhất không nên ban hành. Vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục, tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để doanh nghiệp có động lực đầu tư, kinh doanh. 

Theo đó, chỉ quy định cấm những khu vực không được mở cửa hàng tiện lợi, siêu thị hoặc khu vực cấm bán các mặt hàng nào đó như hàng hóa dễ cháy nổ, mất vệ sinh, hôi thối... có thể ảnh hưởng đến khu dân cư mà thôi.

Đồng thời, thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát, nhất là khâu hậu kiểm để xử lý nghiêm các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, gian lận, trốn thuế... ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

Là người tiêu dùng, bạn có ý kiến gì về dự thảo thông tư lần 2 do Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

 Can thiệp quyền tự do kinh doanh?Cửa hàng tiện lợi phục vụ khách trong 500m: Can thiệp quyền tự do kinh doanh?

TTO - Nếu phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500m, cửa hàng tiện lợi có vi phạm pháp luật và bị xử phạt? Trong thực tế chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu.


Nguồn bài viết