Tỉ phú Elon Musk - Ảnh: REUTERS
Nếu không có gì thay đổi, mạng xã hội Twitter với hơn 200 triệu người dùng tới đây sẽ nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của tỉ phú Musk. Hôm 25-4, ban giám đốc Twitter chấp nhận đề nghị trị giá 44 tỉ USD của vị CEO Tesla.
Vụ chuyển giao này càng khiến ông Musk trở thành hiện tượng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận những ngày qua.
Trong mắt dư luận, hình tượng về Musk vốn dĩ đã là một doanh nhân "không sợ trời, không sợ đất", là đại diện cho những giấc mơ điên rồ nhất.
Đi đầu trong lĩnh vực chế tạo pin, Musk đã một tay thách thức cả một ngành công nghiệp xe hơi nhiên liệu hóa thạch (xăng) khi đưa xe điện Tesla bước ra ánh sáng. Ông một lần nữa khiến các công ty hàng không vũ trụ "toát mồ hôi" với tuyên bố tạo ra tên lửa "tái sử dụng" cùng SpaceX. Chính Twitter hay Facebook cũng lao đao chỉ vì một lời kêu gọi ngắn gọn của Musk: "Hãy sử dụng mạng xã hội Signal".
Với sự nổi tiếng đang trong giai đoạn cực điểm, Musk thậm chí được nhiều người cho rằng sẽ sớm khuynh đảo thế giới ở lĩnh vực chính trị.
Sau đây là 3 câu hỏi lớn từ dư luận sau khi Musk tuyên bố mua Twitter.
Musk mua Twitter và đưa Trump trở lại?
Đầu năm 2021, Twitter đã gây tranh cãi khi khóa tài khoản cựu tổng thống Trump. Đây là câu chuyện liên quan tới vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ trong giai đoạn bầu cử tổng thống.
Một bên cho rằng ông Trump đáng bị cấm vì tung tin giả, kích động bạo loạn. Một bên khẳng định Twitter đã hành xử sai nguyên tắc, vi phạm tự do ngôn luận.
Musk trong khi đó là người thường xuyên chỉ trích… Twitter. Cách đây 5 năm, ông từng nói: "Tôi yêu Twitter", nhưng sau đó là những than phiền vì tự do ngôn luận.
Khi mua lại Twitter, Musk cũng khẳng định sẽ bảo vệ tự do ngôn luận. Báo chí Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu Musk có mở tài khoản lại cho Trump sau khi tiếp quản Twitter không?
Rất nhanh chóng, trong phần trả lời Fox News ngày 25-4, ông Trump khẳng định sẽ không quay lại Twitter.
Ông Trump nói: "Tôi sẽ không tiếp tục dùng Twitter, tôi sẽ gắn bó với TRUTH. Tôi hy vọng Elon (Musk) mua Twitter vì anh ta sẽ cải thiện nó, và anh ta là một người tốt, nhưng tôi vẫn sẽ gắn bó với TRUTH".
TRUTH Social là nền tảng mạng xã hội mới thuộc Công ty Trump Media & Technology. Tháng trước, nền tảng này đã ra mắt sau khi chạy thử bản beta hồi tháng 2. Ông Trump cho biết sẽ công bố tài khoản trong vài ngày tới và TRUTH Social là kênh phát ngôn chính thức duy nhất của ông.
Musk sẽ tranh cử tổng thống Mỹ?
Sau đỉnh cao danh tiếng và tiền bạc là quyền lực chính trị? Người hâm mộ ông Musk nghĩ tới viễn cảnh này, nhưng câu trả lời có lẽ là ‘không’. Đơn giản Hiến pháp Mỹ hiện nay không cho phép ông Musk tranh cử.
Ông Musk có cha là người Nam Phi, mẹ là người Canada. Điểm đặc biệt là Musk được sinh ra ở Nam Phi (nhập tịch Mỹ theo diện công dân tự nhiên vào năm 2002).
Trong khi đó, điều II, khoản 1 của Hiến pháp Mỹ đưa ra 3 tiêu chí để một người được đủ tư cách làm tổng thống: sinh ra ở Mỹ, từ 35 tuổi trở lên, và cư trú ở Mỹ trong 14 năm.
Nói cách khác, như một phân tích trên The Hill, Musk không thể tranh cử tổng thống trừ phi có sửa đổi về tiêu chí này trong Hiến pháp Mỹ.
Musk theo phe Cộng hòa hay Dân chủ?
Là người thách thức các tiêu chuẩn, không ngạc nhiên khi Musk gây khó cho những người đang cố gắng xếp ông vào diện Dân chủ hay Cộng hòa.
Dựa trên những phát biểu và sự thể hiện của Musk trước công chúng, đa phần nghĩ rằng ông theo phe Cộng hòa.
Suy nghĩ này càng được ủng hộ nếu quan sát cách báo chí cánh tả ở Mỹ "đánh" Musk tơi bời, hoài nghi về khả năng Musk sẽ "bảo vệ tự do ngôn luận" trên Twitter. Một số bài viết còn lo ngại nếu tiếp quản Twitter, Musk sẽ để tin giả tràn lan.
Chi tiết mạnh mẽ nhất khiến Musk bị gán cho phe Cộng hòa là lời kêu gọi "take the red pill" (lấy viên màu đỏ) vào năm 2020.
Báo chí được một dịp lao xao về ý nghĩa của lời kêu gọi này. "Viên màu đỏ" (take the red pill) có thể ngụ ý chọn màu của Đảng Cộng hòa (màu xanh đại diện cho Đảng Dân chủ), cũng là cụm từ dùng để mô tả việc chọn các giá trị cánh hữu. Xuất phát từ phim Ma trận, "take the red pill" đã trở thành cụm từ gây tranh cãi lớn với ý nghĩa mang giá trị cực hữu, theo The Atlantic.
Dù vậy Musk có lần tuyên bố mình đã từng tài trợ cho cả Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hòa.
Về quan điểm chính trị, Musk từng tự mô tả rằng mình là người "độc lập", với "một nửa Dân chủ, một nửa Cộng hòa".
Tại một hội nghị về công nghệ do The Atlantic và Trường UC San Diego tổ chức năm 2011, ông cho rằng mình là người theo chủ nghĩa tự do xã hội (socially liberal) nhưng bảo thủ về chính sách tài khóa (fiscally conservative): "Tôi nằm đâu đó ở điểm giữa… tự do xã hội và bảo thủ tài khóa".
Năm 2018, ông nói thêm về việc mình "độc lập" (independent) về mặt chính trị: "Nói cho rõ, tôi không phải một người theo phe bảo thủ. Tôi đăng ký cử tri độc lập và ôn hòa về chính trị. Điều này không có nghĩa tôi ôn hòa về mọi vấn đề. Vấn đề nhân đạo đặc biệt quan trọng với tôi, và tôi không hiểu vì sao nó lại không quan trọng với mọi người".