3 ca sốt xuất huyết nặng ở Củ Chi chuyển về trung tâm TP.HCM đều tử vong

2 năm trước 180
3 ca sốt xuất huyết nặng ở Củ Chi chuyển về trung tâm TP.HCM đều tử vong - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm một bệnh nhi mắc bệnh sốt xuất huyết nặng nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã báo cáo với Bộ Y tế như vậy tại buổi làm việc giữa đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu với Sở Y tế TP.HCM và các đơn vị liên quan về công tác điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM vào chiều 27-6.

Theo ông Vĩnh Châu, vừa qua Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi có đến ba trường hợp sốt xuất huyết tử vong. Cả ba trường hợp đều chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy và sau đó đã tử vong taị bệnh viện này.

Sở Y tế TP.HCM cùng các chuyên gia đã xuống bệnh viện để phân tích các ca tử vong thì nhận thấy dù xe cấp cứu có đi nhanh cách mấy thì chuyển bệnh nhân về trung tâm thành phố cũng mất gần 2 giờ đồng hồ. Như vậy, nguy cơ chuyển viện không an toàn vẫn xảy ra.

Do đó, Sở Y tế đã có chỉ đạo, giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tập huấn lại toàn bộ về căn bệnh sốt xuất huyết cho các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi.

Ông Vĩnh Châu cho hay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ chi hiện có nhiều bác sĩ trẻ, những người lớn tuổi đã nghỉ hoặc chuyển qua những bệnh viện khác.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nếu có ca nặng thì sẽ tổ chức hội chẩn điều trị, nếu cần thì tái khởi động hệ thống cấp cứu liên viện để tuyến trên xuống điều trị hỗ trợ tuyến dưới ngay tại chỗ.

Về điều kiện cơ sở vật chất, hiện nay Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi có nhiều loại máy như máy thở, máy lọc máu... chỉ thiếu ECMO, nên có thể điều trị các ca sốt xuất huyết nặng với sự hỗ trợ của tuyến trên.

Sở Y tế đã giao cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, tránh chuyển bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, quá nặng lên bệnh viện tuyến trên, đi trên đường quá xa về trung tâm thành phố.

Theo ông Vĩnh Châu, các cơ sở y tế, sau thời gian biến động điều trị bệnh COVID-19, không đối phó với sốt xuất huyết, đặc biệt có sự thay đổi nhân sự y tế trong suốt thời gian vừa qua nên có nhiều nơi "quên bài sốt xuất huyết".

Có nhiều trường hợp không kịp thời nhận ra những dấu hiệu cảnh báo, để bệnh nhân quá nặng mới nhập viện nên nguy cơ tử vong cũng tăng lên.

Sau khi nhận định như vậy, Sở Y tế đã phối hợp với bốn bệnh viện trong thành phố tổ chức hàng loạt lớp tập huấn phối hợp với Hội Y học TP thông qua zoom cho nhân viên ở các trạm y tế, trung tâm y tế, cũng như các bác sĩ phòng mạch tư tham gia tập huấn, để nhận diện cho ra sốt xuất huyết, không bỏ sót sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Thành Dũng, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho rằng hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.

Ông Thành Dũng đề xuất các bệnh viện tuyến dưới nếu có năng lực thì giữ bệnh nhân sốt xuất huyết lại điều trị, chỉ chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới những trường hợp không thể giải quyết.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các cơ sở y tế cần chuẩn bị tốt hơn nữa cơ số giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế để điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đặc biệt, cần làm tốt việc tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để phân biệt được các triệu chứng bệnh, triệu chứng chuyển nặng nhằm phát hiện và điều trị kịp thời cho người dân.

Đoàn công tác Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM tăng cường hội chẩn từ xa ngay từ ban đầu đối với những ca nặng, tập huấn địa phương tổ chức chuyển tuyến an toàn...

Bộ Y tế kỳ vọng TP.HCM dẫn đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

 Sốt xuất huyết tăng nhanh, thêm 1 trường hợp tử vong, dịch tay chân miệng giảmTP.HCM: Sốt xuất huyết tăng nhanh, thêm 1 trường hợp tử vong, dịch tay chân miệng giảm

TTO - Ngày 27-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết tính đến tuần 25, sốt xuất huyết tại TP vẫn đang có xu hướng tăng, trong tuần ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay lên 10 ca.

Nguồn bài viết