29 doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM đồng loạt đề nghị 'tháo gỡ vướng mắc'

2 năm trước 183
29 doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM đồng loạt đề nghị tháo gỡ vướng mắc - Ảnh 1.

Với các dự án đang "gặp vướng", Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở ngành kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết hiệp hội này vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM, báo cáo các vướng mắc của 38 dự án bất động sản tại TP. Theo ông Châu, với văn bản báo cáo các vướng mắc bổ sung này, hiện tại ở TP.HCM có trên 100 dự án bất động sản đang chờ "gỡ vướng".

Dự án "tắc" 13 năm vì thủ tục "hoán đổi"

Theo HoREA, có dự án "tắc" 13 năm chỉ vì một thủ tục, đơn cử dự án khu nhà ở chung cư cao tầng (4 lô) tại khu đô thị mới Đông Tăng Long (phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức) của Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2009.

Trong đó, phương thức được doanh nghiệp đưa ra là chủ đầu tư xây dựng 1 lô nhà tái định cư bàn giao cho TP theo phương thức hoán đổi tiền sử dụng đất và được kinh doanh thương mại 3 lô còn lại. Dự án đã hoàn thành nhiều thủ tục như thỏa thuận tổng mặt bằng tỉ lệ 1/500, đánh giá tác động môi trường…

Hiện công ty thực hiện thủ tục giao đất để kiện toàn thủ tục tiếp theo nhưng do vướng cơ chế "hoán đổi" nên đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cũng liên quan đến cơ chế hoán đổi, dự án chung cư Phú Mỹ 2 (quận 7) của Công ty CP Khải Huy Quân đã đưa vào sử dụng năm 2021. Theo phê duyệt phương thức đầu tư thì chủ đầu tư được kinh doanh thương mại và phải bàn giao lại cho TP quỹ nhà tái định cư tương ứng 252 căn hộ để hoán đổi tiền sử dụng đất cho dự án này và dự án Florita (quận 7).

Hiện công ty đang thực hiện thủ tục bàn giao cho 252 căn hộ tái định cư để hoàn tất thanh quyết toán, tuy nhiên do vướng cơ chế "hoán đổi", pháp luật hiện hành không còn phương thức này nên thủ tục pháp lý vướng mắc. Điều này dẫn đến dự án Florita đã bàn giao cho người dân từ 2018, công ty đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân nhưng do vướng cơ chế "hoán đổi" quỹ nhà ở tái định cư tại dự án Phú Mỹ nên đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết vấn đề này.

Xây không được, bán không xong

Trong khi đó, có dự án xây dựng không được, bán cũng không xong như dự án Sao Mai (quận 7) của Công ty CP Hưng Thịnh Incons. Cụ thể, dự án này được UBND quận 7 chấp thuận đầu tư với công năng là nhà chung cư cao 17 tầng, đã xây dựng xong móng và hầm. Đến năm 2017, dự án này được chuyển nhượng sang cho Hưng Thịnh Incons (do mua bán nợ xấu) và đã được TP chấp thuận cho nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án và "sổ đỏ" đất ở (đất tư nhân đã đăng bộ) sang cho Hưng Thịnh Incons.

Nhưng sau đó không thể triển khai được là do "vướng mắc" quy hoạch phân khu 1/2.000 đang là thấp tầng, xây dựng móng hầm khi chưa có giấy phép xây dựng và không phù hợp quy hoạch. Do đó, Công ty Hưng Thịnh Incons đã tự tháo dỡ phần móng hầm, đã nhiều lần kiến nghị cho chấm dứt dự án để chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nhằm thu hồi vốn nhưng… chưa có cơ chế giải quyết.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp cho biết các dự án đã xây dựng xong, người dân đã vào ở nhưng vướng đến nay vẫn chậm cấp sổ đỏ cho người dân, do đó các doanh nghiệp kiến nghị cần sớm hoàn tất xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung nếu có và đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ.

Đồng thời, chủ đầu tư các dự án đã kiến nghị các sở như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường và các ban ngành khác giải quyết sớm thủ tục cho các dự án đã vướng mắc nhiều năm về thủ tục đất đai, cấp phép xây dựng, "có ý kiến", thúc đẩy việc tính tiền sử dụng đất bổ sung, ưu tiên cấp sổ đỏ trước cho người dân, sớm hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung…

Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo "gỡ vướng"

Trước đó, HoREA đã có văn bản báo cáo tổng hợp kiến nghị của 57 doanh nghiệp đề nghị xem xét tháo gỡ "vướng mắc" cho 64 dự án bất động sản nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội.

Sau khi nhận được kiến nghị, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản số 2391 truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chỉ đạo và giao các sở, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo xin ý kiến UBND TP để xem xét, quyết định và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP trong 30 ngày làm việc.

TP.HCM ‘tuyệt chủng’ căn hộ giá bình dânTP.HCM ‘tuyệt chủng’ căn hộ giá bình dân

TTO - Không có một căn hộ giá bình dân (dưới 25 triệu đồng/m²) nào được cung ứng ra thị trường trong năm 2021 tại TP.HCM, trong khi đa số căn hộ đều có giá trên 40 triệu đồng/m², thậm chí giá căn hộ hạng C cũng đã lên đến 60 triệu đồng/m².

Nguồn bài viết