29.000 người tiếp sức TP.HCM chống dịch

3 năm trước 252
29.000 người tiếp sức TP.HCM chống dịch - Ảnh 1.

Bác sĩ Ngọc Thái Học (bìa phải), thành viên của đoàn Sở Y tế Bắc Giang cùng đồng đội tại lễ tuyên dương các đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 do TP.HCM tổ chức - Ảnh: VŨ THỦY

Ba tháng gồng mình chống dịch của TP.HCM có sự góp công, góp sức của một lực lượng gần 29.000 y bác sĩ, tình nguyện viên đến từ Bắc Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Nội, Lâm Đồng... - một lực lượng chi viện chống dịch hùng hậu nhất và cũng kéo dài nhất từ trước đến nay.

Khi quyết định xung phong lên đường, chúng tôi đều xác định không phải là hỗ trợ mà đây là cuộc chiến của mình và chiến đấu bằng 200% sức lực.

Ông BÙI QUANG HUY (thành viên đoàn công tác Bệnh viện E tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, TP Thủ Đức)

Ngày thứ 78 chống dịch

Là một trong những y bác sĩ đầu tiên được chi viện đến TP.HCM ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh hơn, đến nay đã là ngày thứ 78 của bác sĩ Ngọc Thái Học - thành viên của đoàn Sở Y tế Bắc Giang tại Bệnh viện dã chiến số 10 (TP Thủ Đức). "Trước đó, vào tháng 5-2021, tôi đã làm việc ở phòng ICU điều trị bệnh nhân nặng trong đợt dịch bùng phát tại Bắc Giang. Ngay khi tình hình dịch ở đó tạm lắng thì nhận điều động vào TP.HCM luôn", bác sĩ Học chia sẻ.

Thời điểm đó, Bệnh viện dã chiến số 10 quy mô 3.500 giường do các y bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng phụ trách mới chỉ thành lập được 3 ngày. Do có kinh nghiệm làm phòng ICU trước đó nên bác sĩ Học đã giúp chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm về điều trị chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân COVID-19 với anh chị em y bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng, lúc đó phần lớn đều chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19.

"Hơn 2 tháng trong ICU tiếp nhận các bệnh nhân nặng, công việc của tôi là chăm sóc, điều trị cho họ. Có những thời khắc sẽ hằn sâu trong ký ức không chỉ của nhân viên y tế thời gian qua, những khoảnh khắc bất lực không thể làm được gì và bệnh nhân không qua khỏi", bác sĩ Học trầm mặc khi nhớ lại những thời khắc sinh tử cùng bệnh nhân COVID-19.

Bác sĩ Ngọc Thái Học và đồng đội của anh chỉ là một trong hàng trăm đội hình với hàng chục ngàn y bác sĩ, tình nguyện viên có mặt tại đủ các mặt trận ở TP.HCM những ngày qua. Từ sàng lọc, điều trị, chăm sóc đến các chốt kiểm soát, các hoạt động hậu cần, vận chuyển trang thiết bị, nhu yếu phẩm đến người dân TP.

Có mặt ở thời điểm bùng phát dịch khốc liệt nhất hồi giữa tháng 8, những ngày này thầy trò Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) lần lượt theo các chuyến bay về lại Hà Nội. Một tháng rưỡi chi viện chống dịch tại TP.HCM, 825 thành viên của đoàn đã chia thành 10 đội ở 10 quận huyện khác nhau hỗ trợ công tác sàng lọc, xét nghiệm, bóc tách F0... "Giai đoạn đầu rất căng thẳng và cũng chưa từng có tiền lệ với sinh viên, giảng viên của trường. Khoảng 20 sinh viên trường đã nhiễm COVID-19 nhưng đều được điều trị và an toàn" - ThS Trần Hoàng Hiệp, trưởng đoàn Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai, chia sẻ.

"Những ngày khốc liệt nhất đã qua rồi"

Nguyễn Thị Thùy Ninh (31 tuổi), nữ quân y thuộc đoàn công tác của Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng), và đồng đội của cô những ngày này đã không còn hối hả như những tháng trước đó nữa. Một tháng rưỡi vừa qua, "nhà" của Ninh và đồng đội là ngôi trường mẫu giáo tại huyện Nhà Bè được trưng dụng làm nơi ở cho các đoàn hỗ trợ. 

"Tháng trước, đội hình tổ quân y lưu động phải trực 24/24 để cấp phát thuốc, cấp cứu F0 tại nhà. Đến hôm nay F0 trong cộng đồng đã giảm đi rất nhiều rồi. Ai cũng mừng", Ninh chia sẻ. 

Đã đến TP.HCM 2 lần trước đó nhưng chuyến đi lần này với cô rất đặc biệt. "Chúng tôi nhận lệnh rất gấp. Chiều nhận thông báo, sáng hôm sau xuất phát ngay. Tất cả những gì kịp làm là nhắn một cái tin thông báo với người nhà", Ninh kể.

Thành phố đang khỏe lên từng ngày. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Đó là tâm trạng chung của thành viên các đoàn hỗ trợ chống dịch TP.HCM những ngày này. 825 thành viên của đoàn công tác Bệnh viện Bạch Mai đang chia từng tốp để về lại Hà Nội, các đoàn khác cũng rục rịch "thu quân". 

"10 quận, huyện mà các thành viên của đoàn đang hỗ trợ đã thông báo kiểm soát dịch. Tình hình dịch bệnh đang tốt dần lên" - anh Trần Hoàng Hiệp, thành viên đoàn, tươi cười chia sẻ. 

"Bệnh nhân nhập viện đang giảm từng ngày. Mỗi ngày lại mừng thêm một tí" - bác sĩ Ngọc Thái Học, Bệnh viện dã chiến số 10, cũng có cùng tâm trạng.

ThS Bùi Quang Huy, thành viên đoàn công tác Bệnh viện E (Hà Nội), cuối cùng đã có thể nhẹ nhõm hơn: "Nơi đoàn công tác chúng tôi làm việc (Bệnh viện Hồi sức COVID-19, TP Thủ Đức) là một mặt trận khốc liệt. Dù có lúc áp lực từ hơn 10.000 ca nhiễm, hơn 400 ca tử vong mỗi ngày khiến tất cả phải gồng mình gấp nhiều lần. Nhưng giai đoạn khốc liệt nhất đã qua, hệ thống y tế vẫn đang đứng vững".

Ngày 6-10, TP.HCM tổ chức lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 30-9, tổng số lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM là 187.275 người. Trong đó, lực lượng tại chỗ của TP.HCM 158.286 người.

Tổng số nhân lực của các bộ, ngành trung ương huy động hỗ trợ từ các tỉnh thành là 28.989 người. Trong số này, lực lượng tăng cường từ các bệnh viện thuộc các bộ, ngành trung ương và đoàn nhân viên y tế các tỉnh thành là 6.244 người. Lực lượng tăng cường từ Bộ Quốc phòng là 16.637 người, lực lượng từ Bộ Công an là 1.749 chiến sĩ. Lực lượng tăng cường từ các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo chuyên ngành y là 4.031 người.

Quận Bình Tân tổ chức chia tay lực lượng tăng cường phòng chống dịchQuận Bình Tân tổ chức chia tay lực lượng tăng cường phòng chống dịch

TTO - Tối 6-10, quận Bình Tân tổ chức buổi chia tay lực lượng tăng cường tham gia phòng chống dịch để các cán bộ, chiến sĩ trở về đơn vị. Hai tháng chi viện chính quyền, nhân dân thành phố chống dịch đã để lại bao nghĩa tình quân dân sâu đậm.

Nguồn bài viết