Không ít doanh nghiệp trong ngành công nghiệp cơ khí, điện cũng gặp khó khăn để đảm bảo việc làm cho công nhân. Trong ảnh: sản xuất cơ khí tại một công ty cơ khí ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức được tổ chức ngày 17-12 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.
Sau một ngày thảo luận và trao đổi, các diễn giả là nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia... đã tập trung kiến nghị sớm có các chính sách hỗ trợ cho người lao động và giải pháp "cứu" thị trường trái phiếu doanh nghiệp để kinh tế năm 2023 ổn định và phát triển.
Cần hỗ trợ kịp thời lao động mất việc khi Tết cận kề
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận về phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy rất lớn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đến gần.
Ông chỉ rõ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý 1, thậm chí quý 2-2023 dẫn đến nhiều người lao động bị thiếu việc, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống.
Để giải quyết vấn đề này, cần nhiều giải pháp đồng bộ vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.
Trong đó, theo ông Hiểu, cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động ở ba mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề. Đồng thời tiếp tục có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lương cơ bản giữ chân người lao động, đào tạo, đào tạo lại người lao động, tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi vị trí việc làm trong doanh nghiệp...
Về lâu dài, ông Hiểu nói cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền duy trì cuộc sống. Cạnh đó phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn. Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố có nguồn dự phòng cho hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ người lao động trong thời điểm mất việc.
Đứng trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Ông nói thêm cần thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế...
Mặt khác, cần phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều bao trùm, bền vững; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro...
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex Saigon JS) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu
Vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rủi ro cho nền kinh tế năm 2023 - 2024 mà điểm cốt lõi là thiếu tính minh bạch. Thực tế, có một số doanh nghiệp chào bán trái phiếu cách đây 2 - 3 năm nhưng đến nay hầu như không có thông tin gì mới như khả năng trả nợ... cho nhà đầu tư.
Từ đó, đề xuất "phác đồ" điều trị cho thị trường trái phiếu, ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, cho rằng trước hết doanh nghiệp phải chủ động minh bạch thông tin. Bởi doanh nghiệp vay tiền của công chúng thì phải minh bạch thông tin về "sức khỏe" của mình với nhà đầu tư. Đây là vấn đề cốt lõi, giúp thị trường lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Ông Thuân nêu ví dụ tháng 10 vừa qua, một số doanh nghiệp vẫn nhận được khoản huy động từ nước ngoài. Rõ ràng, khi thông tin minh bạch, chất lượng doanh nghiệp tốt thì nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền.
"Tôi khuyên doanh nghiệp hãy chủ động minh bạch thông tin và đàm phán với trái chủ về phương án trả nợ, tránh lâm vào tình huống vỡ nợ một cách bị động. Vì trong 2 - 3 năm tới, thị trường có thể vẫn còn thực sự khó khăn. Nếu doanh nghiệp chậm trả lãi một ngày đối với trái chủ thì tạm gọi là vi phạm rồi", ông Thuân lưu ý.
Bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trách nhiệm của các tổ chức trung gian gồm ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán trong việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải quy định chặt chẽ. Do vậy, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện vấn đề này. Ngoài ra, để thị trường trái phiếu tái sinh, những doanh nghiệp rủi ro cũng có thể xem xét được phép huy động trái phiếu với lãi suất 20 - 30%/năm. Quan điểm là nên để thị trường tự vận hành, quyết định lãi suất của trái phiếu.
Đồng tình với những đề xuất trên, ông Nguyễn Đức Chi - thứ trưởng Bộ Tài chính - cho rằng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đúng nghĩa, cần có sự nỗ lực xây dựng từ phía doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Trước hết, doanh nghiệp phát hành phải minh bạch thông tin với các nhà đầu tư, với các trái chủ nắm giữ trái phiếu, bằng cách phải thuê tư vấn, đánh giá của kiểm toán độc lập, cơ quan xếp hạng tín nhiệm... Đặc biệt, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã cam kết với nhà đầu tư, khi đó niềm tin mới trở lại, thị trường mới ổn định và phát triển.
Người dân đến làm các thủ tục thuế tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cần đặc biệt quan tâm đến người lao động
Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cũng kiến nghị để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, thách thức của năm 2023, Nhà nước cần ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới.
Cùng với đó tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa như miễn, cắt giảm thuế, lệ phí...
Thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng; an sinh xã hội (hỗ trợ doanh nghiệp ổn định quỹ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cũng như tăng cường hỗ trợ về an sinh xã hội cho người lao động...). Trong đó, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại để duy trì việc làm cho người lao động...
Tất cả phải quyết tâm và chia sẻ
Thủ tướng trao đổi với đại biểu bên lề diễn đàn - Ảnh: NAM TRẦN
Trước những khó khăn có thể đến trong năm tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tất cả từ nhà quản lý, nhà tư vấn, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân đều phải quyết tâm, đồng lòng chung sức để làm với tinh thần hài hòa lợi ích của Nhà nước - người dân và doanh nghiệp, còn khó khăn, rủi ro cùng sẻ chia.
Theo Thủ tướng, đến giờ này của năm 2022 có thể nói kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Các chỉ tiêu như xuất nhập khẩu đạt trên 700 tỉ USD (lớn nhất từ trước đến nay). Nói tóm lại, nền kinh tế phát triển hiệu quả dù trong điều kiện khó khăn. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn nên Việt Nam luôn xác định thách thức nhiều hơn thuận lợi để sẵn sàng đón nhận và ứng xử cho phù hợp.
Với những khó khăn, rủi ro của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cần phải xử lý để lành mạnh hóa thị trường, hoạt động đúng bản chất và hài hòa quyền lợi của các bên. Khi đã xử lý thì không có phương án nào tối ưu mà chọn phương án tốt nhất.
Chẳng hạn với thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại phân khúc của thị trường, cơ cấu lại giá, không thể tập trung sản phẩm dành cho người giàu.
"Đối với hoạt động ngân hàng, lúc khó khăn thì ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay. Đất nước phát triển được, người dân giàu có thì mới có tiền gửi ngân hàng. Còn đất nước không phát triển, người dân nghèo khó thì lấy đâu tiền gửi ngân hàng để ngân hàng phát triển được. Tại sao ngân hàng không chia sẻ hạ lãi suất ngay?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Với trái phiếu doanh nghiệp cũng thế, lúc thị trường bình thường thì lãi suất 15%/năm, nhưng lúc khó khăn thì phải đồng thuận hạ lãi suất. Doanh nghiệp phải cơ cấu lại. Người dân cũng vậy, tình hình khó khăn thì cần có sự chia sẻ, lãi suất trước 15% thì nay hưởng 10%, 5% thậm chí thu hồi vốn hay kéo dài thời gian 1 - 2 năm đáo hạn. Nhà nước cũng phải có giải pháp can thiệp để thị trường hoạt động trở lại bình thường.
Thủ tướng nhắc lại nguyên tắc cơ bản trong bất cứ tình huống nào cũng phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia thị trường theo đúng quy định pháp luật. Nhà nước xây dựng cơ chế tôn trọng thị trường. Nhà nước không chi tiền để làm việc không phải trách nhiệm của Nhà nước nhưng Nhà nước phải có cơ chế để giải quyết khi tình hình phức tạp.
* Ông Nguyễn Đức Chi (thứ trưởng Bộ Tài chính):
Đề xuất tiếp tục miễn giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí
Bộ Tài chính đề xuất trong năm 2023 giãn thời gian nộp một số khoản thuế và phí cùng miễn hoặc giảm tiền thuê đất, áp dụng mức sàn với thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Về thị trường trái phiếu, một mặt tiếp tục tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi trong việc huy động vốn trên thị trường, song cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cũng sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi nghị định 65 năm 2022 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với hy vọng sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư với thị trường.
* Ông Andrew Jeffries (giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam):
Việt Nam nên cảnh giác với lạm phát
Trong năm 2023, Việt Nam vẫn nên cảnh giác với lạm phát. Dù năm 2022, Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất để ngăn chặn tiền đồng mất giá và kiểm soát lạm phát. Nhưng lạm phát toàn cầu vẫn chưa dứt, đồng thời sự xung đột giữa Nga - Ukraine tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Về điều hành nền kinh tế, Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để hỗ trợ có mục tiêu doanh nghiệp trước bối cảnh suy thoái của kinh tế toàn cầu. Mặt khác, Ngân hàng Phát triển châu Á có lo ngại về thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ nên thúc đẩy quy định về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đồng thời thắt chặt yêu cầu đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia vào thị trường này.
* Ông TRƯƠNG VĂN CẨM (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt may Việt Nam):
Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động để giữ chân người lao động
Từ cuối quý 3 sang quý 4-2022, các doanh nghiệp dệt may bị giảm 15 - 20% đơn hàng, chưa kể giá các đơn hàng cũng bị giảm. Hệ lụy của vấn đề này làm cho lao động ngành dệt may bị cắt giảm giờ làm, mất việc. Hiệp hội đã khuyến nghị các doanh nghiệp làm thế nào để giữ chân người lao động, nhất là người lao động nòng cốt để khi có điều kiện sẽ phục hồi sản xuất.
Để đỡ phải sa thải, cắt hợp đồng lao động, các doanh nghiệp đã giảm thời gian làm thêm, giãn việc, cho nghỉ phép, thậm chí có doanh nghiệp đã công bố cho lao động nghỉ Tết 15 ngày... Cùng với giữ chân lao động cũng phải giữ chân khách hàng, lựa chọn các đơn hàng phù hợp. Thậm chí có thể không lãi nhưng người lao động có việc làm, bù đắp được khấu hao và quan trọng hơn không để khách hàng bỏ đi.
Hiện nay doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên thời gian tới chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh, việc làm hay gói cấp bù lãi suất 2% và tiếp tục thực hiện giảm thuế VAT 2%. Ngoài ra có thể giãn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... Khi thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp không phải dừng sản xuất, đóng cửa.