Nguồn cung tại các chợ truyền thống giảm mạnh do số lượng chợ tạm ngưng ngày càng nhiều - Ảnh: N.TRÍ
Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM cho thấy đến chiều 9-7, toàn TP có đến 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối, 6/106 siêu thị, 94/2.626 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Như vậy, đến nay đã có khoảng 2/3 số chợ truyền thống, bao gồm 3 chợ đầu mối của TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động, trong đó nhiều quận có số lượng chợ truyền thống đóng cửa chiếm lượng lớn, thậm chí tuyệt đối.
Cụ thể, TP Thủ Đức đã ngưng hoạt động 20/34 chợ, 5 chợ đã thực hiện phát thẻ ra vào chợ có gắn mã QR code; quận 1 có 4/5 chợ tạm ngưng; Hóc Môn có 11/12 chợ tạm ngưng; quận 8 tạm ngưng 12/12 chợ, một số cửa hàng, siêu thị như Co.opmart, San Hà phát phiếu đi ngày chẵn lẻ…
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, ngoài "5K", hiện nay nhiều chợ, siêu thị đã áp dụng giải pháp phát thẻ ra vào chợ có gắn mã QR code, phát phiếu đi chợ theo hình thức ngày chẵn lẻ. Đây cũng là giải pháp được đơn vị yêu cầu các chợ tăng phạm vi thực hiện, đặc biệt tại những khu vực dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo ghi nhận, lượng chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động nhiều khiến một số mặt hàng bán ra tại các chợ còn hoạt động tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng rau, củ với nhiều chủng loại như bông cải, bầu, bí, cải thìa, cải ngọt, cà rốt… hiện ở mức 35.000-65.000 đồng/kg tùy loại. Mức này theo nhiều người là tăng gấp 2- 3 lần thời điểm bình thường.
Tuy vậy, theo Sở Công thương TP.HCM, lượng hàng hóa thiết yếu vẫn đổ về TP.HCM ổn định nhờ các kênh thay thế cho lượng chợ tạm ngưng, đặc biệt là kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nên nhìn chung nguồn cung không thiếu hụt cho nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, hiện nay sức mua tại các chợ giảm 50-80% so với bình thường, sức mua tại siêu thị cũng giảm nhiều so với các ngày trước đó do TP áp dụng giãn cách nên người dân hạn chế đi lại, giúp nguồn cung dồi dào hơn.