Đơn thuốc điện tử đã phổ biến

2 năm trước 177
Đơn thuốc điện tử đã phổ biến - Ảnh 1.

Nên áp dụng đơn thuốc, chỉ dẫn điện tử, tất cả đều được in ra để bệnh nhân có thể đọc hiểu, mua thuốc cũng như theo dõi tình trạng bệnh dễ dàng hơn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thế nhưng theo ghi nhận, hiện đa số các bệnh viện đã thực hiện in đơn thuốc và kê đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân.

Không còn nhiều đơn thuốc viết tay

Tại Hà Nội, nhiều bệnh viện như Bệnh viện K, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn... đã in đơn thuốc cho bệnh nhân. 

Theo đó, sau khi bác sĩ kê đơn thuốc sẽ in ra để đưa cho bệnh nhân, còn lại bệnh án và đơn thuốc điện tử được lưu trên hệ thống của bệnh viện. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bác sĩ phải kê đơn thuốc viết tay do các vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu.

Đối với một số bệnh viện tuyến huyện, việc kê đơn thuốc điện tử đang được thực hiện nhưng chưa đồng bộ. Tại một bệnh viện đa khoa ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), một số khoa, phòng kê đơn thuốc điện tử cho người bệnh, tuy nhiên vẫn có đơn thuốc bác sĩ viết tay.

Riêng tại TP.HCM, hầu hết các cơ sở y tế từ bệnh viện đến trạm y tế đều đã in đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân và lưu trữ thông tin các đơn thuốc lên hệ thống phần mềm. Trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc viết tay rất hiếm thấy và thường chỉ gặp tại một số phòng khám. 

Theo một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, việc áp dụng đơn thuốc điện tử là xu hướng tất yếu. Ngoài áp dụng cho các cơ sở y tế, ngành y tế cũng yêu cầu các phòng y tế, nhà thuốc trên địa bàn và người hành nghề về quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.

Bế con nhỏ trên tay chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), chị P.M.T.D. (ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết mỗi lần con bệnh là gia đình chị đến đây để khám. Hồ sơ bệnh án, đơn thuốc của con được các bác sĩ lưu trên hệ thống phần mềm nên rất tiện lợi. 

"Trẻ nhỏ bệnh hoài, mình đâu thể nhớ hết con khám lần nào, lúc trước uống những thuốc gì. Giờ mình quên thì đã có chỗ lưu lại. Có lúc gia đình không mua thuốc tại bệnh viện thì cứ cầm đơn thuốc điện tử bác sĩ đã kê ra tiệm thuốc, cũng tiện", chị D. nói.

Trong khi đó, chị Trương Thị Nhung (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết vừa cho con trai thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu tại bệnh viện huyện. 

"Trong quá trình điều trị, bác sĩ đã kê đơn thuốc điện tử cho con. Tuy nhiên cũng có nhiều khi đến khám bệnh lại có bác sĩ viết đơn thuốc bằng tay. Theo tôi, đơn thuốc đánh máy vẫn thuận tiện hơn cho người bệnh, bởi dễ nhìn hơn", chị Nhung bày tỏ.

Dược sĩ tại một cửa hàng thuốc ở Hà Nội cho hay hiện hầu hết các đơn thuốc người bệnh đem đến để mua thuốc là đơn điện tử, thỉnh thoảng mới có đơn thuốc viết tay. 

"Mỗi khi có đơn thuốc viết tay, nếu chữ bác sĩ viết rõ ràng thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu chữ quá xấu, không thể đọc được thì bản thân tôi cũng không thể bán thuốc cho bệnh nhân. Người bệnh không mua được thuốc hay mua sai thuốc thì rất nguy hiểm", vị dược sĩ này chia sẻ.

Tiện cho bác sĩ, dễ cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh viện đã thực hiện in đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân từ năm 2008. Theo đó, bệnh viện có hệ thống cơ sở dữ liệu thuốc của bệnh viện. 

Khi bác sĩ kê đơn thuốc sẽ thao tác trên máy và in ra cho bệnh nhân, đồng thời lưu lại trên hệ thống. Đơn thuốc điện tử vừa giúp bác sĩ tiết kiệm được thời gian vừa giúp bệnh nhân dễ dàng đọc đơn bác sĩ với đầy đủ tên thuốc, thành phần, liều dùng.

Bác sĩ Cấp lấy ví dụ với một khoa bệnh có nhiều bệnh nhân có bệnh giống nhau, bác sĩ có thể chỉ cần sửa một vài tên thuốc phù hợp với bệnh nhân. Nếu cơ sở dữ liệu thuốc đã có đầy đủ, chỉ cần gõ 2 - 3 chữ cái đầu sẽ hiển thị ra các loại thuốc. Với liều dùng thuốc cũng sẽ hiển thị rõ ràng, bác sĩ không mất công để gõ lại.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 16-9, bác sĩ Trần Thanh Sang - phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM, bệnh viện hạng 2) - cho hay bệnh viện đã kê đơn thuốc qua hệ thống máy tính từ năm 2010, trước đó bác sĩ của bệnh viện vẫn còn kê đơn thuốc qua viết tay. 

Với khoảng 500 - 700 lượt bệnh nhân đến thăm khám mỗi ngày tại bệnh viện thì việc kê đơn thuốc điện tử sẽ giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian, kê đơn thuốc được chính xác nhất, mà cũng tránh tình trạng "chữ xấu". Bên cạnh đó, cũng giúp người dân và người cấp phát thuốc dễ dàng nhìn được đơn thuốc và theo dõi.

Theo bác sĩ Sang, bệnh viện cũng lập sẵn cơ số thuốc trên hệ thống phần mềm, bác sĩ chỉ cần đánh những chữ đầu của tên thuốc rồi chọn đúng tên thuốc và đưa ra liều lượng, cách dùng, thời gian sử dụng cho bệnh nhân. 

Việc kê đơn thuốc điện tử trên hệ thống phần mềm tại bệnh viện do chính bác sĩ thực hiện để việc kiểm tra đơn thuốc chính xác nhất, thay vì nhờ sự hỗ trợ của điều dưỡng. Đối với việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, bác sĩ Sang cho hay hiện bệnh viện đang chuẩn bị các bước theo đúng lộ trình của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM.

Cùng chung ý kiến, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho rằng từ khi bệnh viện đưa vào hoạt động thì cũng triển khai luôn việc kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu thuốc là nội bộ của bệnh viện. Và bác sĩ Tiến cũng cho biết thêm hầu hết các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám tại TP.HCM đều in đơn thuốc điện tử. 

"In ấn đơn thuốc điện tử rất tiện lợi nhưng chính điều này cũng phải cẩn thận, bác sĩ phải dò lại một số chi tiết có thể dễ nhầm bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. Đã có trường hợp xảy ra, bệnh của bệnh nhân này nhưng đơn thuốc của bệnh nhân khác", bác sĩ Tiến nói.

Ở một góc độ khác, bác sĩ Cấp chia sẻ thêm: tại nhiều nước phát triển, bác sĩ thường có trợ lý dược tại phòng khám. Theo đó, khi bác sĩ chẩn đoán, kê đơn cho người bệnh, trợ lý sẽ là người đánh máy, in đơn cho bệnh nhân. 

"Như vậy sẽ tận dụng được tối đa thời gian của bác sĩ dành cho việc điều trị, khám bệnh. Tuy nhiên tại nước ta, việc này có khó khăn do nguồn kinh phí cho nhân lực hạn hẹp, vì vậy bác sĩ hiện đang phải làm rất nhiều việc", ông Cấp nhận định.

Đồng quan điểm với ông Cấp, một bác sĩ khoa nội ở một bệnh viện tại Hà Nội chia sẻ nếu có một người hỗ trợ bác sĩ viết đơn thuốc thì bác sĩ sẽ làm việc hiệu quả hơn. 

"Việc viết đơn thuốc điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Người bệnh có thể đọc từng loại thuốc rõ ràng, kiểm tra các loại thuốc mà nhà thuốc bán có đúng đơn bác sĩ hay không. Với đơn thuốc viết tay, đôi khi bác sĩ viết nhanh, viết tắt khiến người bệnh không đọc được mà chỉ có dược sĩ đọc được. Như vậy, đơn thuốc điện tử sẽ giúp tránh được những khả năng nhà thuốc vụ lợi, bán thuốc không đúng đơn...".

Tuy nhiên, theo vị bác sĩ trên, việc kê đơn thuốc điện tử hiện nay không hề đơn giản. Không phải chỉ là việc đánh máy xong in ra, mà để hiệu quả nhất phải có cơ sở dữ liệu thuốc đầy đủ. Nếu bác sĩ vừa đọc các xét nghiệm, chẩn đoán rồi lại ngồi vào máy tính gõ từng họ tên, tuổi, tình trạng và đơn thuốc cho bệnh nhân thì sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với việc viết tay.

Đơn thuốc điện tử đã phổ biến - Ảnh 2.

Một số đơn thuốc viết tay do bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân - Ảnh: bệnh nhân cung cấp

Phạt tiền nếu không ghi rõ ràng tên thuốc

Thông tư 52 năm 2017 của Bộ Y tế về yêu cầu đối với việc kê đơn thuốc có quy định rõ phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc hoặc bệnh án các thông tin về tên thuốc, số lượng, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng thuốc khi kê đơn thuốc theo quy định của pháp luật.

Không kiểm tra đơn thuốc, phiếu lĩnh thuốc, hàm lượng, liều dùng, cách dùng, tên thuốc và chất lượng thuốc khi cấp phát thuốc cho người bệnh...

Hiện nay, những đơn thuốc viết tay của bác sĩ thường vi phạm những quy định về kê đơn thuốc. Trong đó phổ biến là tình trạng viết tắt tên thuốc, viết chữ xấu đến mức "không đọc được". Nhưng thực tế việc xử phạt như quy định thì không dễ dàng, đặc biệt là đơn thuốc vẫn có dược sĩ "luận được".

Cần có đầy đủ dữ liệu thuốc

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng để dễ dàng thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử thì hệ thống cơ sở dữ liệu của đơn vị phải đầy đủ, các loại thuốc được cập nhật thường xuyên.

Đặc biệt hiện nay có rất nhiều loại thuốc, nhiều biệt dược dù thành phần giống nhau nhưng có nhiều nhà sản xuất, nhiều tên gọi khác nhau. Nhiều loại thuốc hết, bác sĩ phải kê đơn tay để bệnh nhân có thể mua được.

"Vì vậy nếu muốn "khai tử" đơn thuốc viết tay thì cần phải hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuốc quốc gia để liên kết tất cả dữ liệu thuốc từ bệnh viện đến nhà thuốc", ông Cấp nêu ý kiến.

Bệnh viện, phòng khám phải kê đơn thuốc điện tử trước 1-12-2022Bệnh viện, phòng khám phải kê đơn thuốc điện tử trước 1-12-2022

TTO - Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 27/2021/TT-BYT về việc quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải hoàn thành kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước 1-12-2022.

Nguồn bài viết