Một chốt phong tỏa trên đường Ngô Quyền, quận Sơn Trà - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trước tình trạng nhiều người trong khu phong tỏa đặt đơn hàng nhưng 3 - 4 ngày mới được cung cấp lương thực, thực phẩm, ông Lê Trung Chinh yêu cầu quận Sơn Trà phải "làm căng" với những nhà cung ứng này.
Theo ông Chinh, vừa qua trung ương và thành phố đã có những chính sách an sinh, chăm lo cho người dân trong khu phong tỏa để bà con an tâm cách ly ở nhà. Đồng thời, thành phố cũng đã thực hiện hỗ trợ tiền mặt cho người dân.
Tuy nhiên vừa qua có tình trạng người dân đặt mua hàng online (theo yêu cầu của chính quyền để dân không ra khỏi nhà) thì các nhà cung ứng lại chậm giao hàng. Có nơi đặt hàng 2-4 ngày mới có khiến người dân khó khăn trong sinh hoạt.
"Các địa phương phải có biện pháp xử lý đối với những nhà cung ứng để họ có trách nhiệm hơn với dân. Biết là sẽ có một số lý do nhất định nhưng như thế không được (giao hàng chậm - PV). Sắp tới chúng ta sẽ có thêm sự hỗ trợ về rau củ quả từ tỉnh Quảng Nam để đảm bảo cung ứng cho thành phố" - ông Chinh nói.
Hiện nay, quận Sơn Trà đang thực hiện cách ly y tế với địa bàn 5 phường. Tuy nhiên trong thời gian cách ly vẫn còn tình trạng người dân qua lại, trò chuyện với nhau.
Ông Chinh cho rằng thành phố đang thực hiện phong tỏa rộng thì từng địa phương phải tổ chức những vùng phong tỏa nhỏ. Quản lý chặt phong tỏa ở trong khu cách ly.
"Tôi đề nghị Công an thành phố tăng cường ngay lực lượng về quận Sơn Trà. Trong mỗi phường ở quận Sơn Trà phải tổ chức phong tỏa, chia nhỏ để đánh giá, để quản lý. Trong phong tỏa lớn phải có phong tỏa nhỏ và chặn ngay cửa ngõ vào các khu vực này" - ông Chinh yêu cầu.
Theo ông Chinh, bên cạnh việc lo an sinh cho người dân thì chính quyền phải xử nghiêm vi phạm giãn cách của người dân.
Do vậy việc tổ chức phong tỏa trong các khu phố với nhau để quản lý, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
Hiện nay quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có vùng cách ly y tế trên địa bàn 5 phường - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG