Vẫn khó tìm lao động thời vụ dịp cuối năm

2 năm trước 247

Khó tuyển lao động thời vụ

Sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tổ chức công ty Cổ phần Vang Thăng Long cho biết, dịp cuối năm, đơn vị đang cần tuyển thêm khoảng 40 lao động thời vụ cùng nhiều vị trí khác như thủ kho bao bì, công nhân cơ điện… để phục vụ kế hoạch sản xuất dịp cuối năm. Mức lương cho lao động làm việc tại các vị trí này dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Chú thích ảnhNhu cầu tuyển dụng cuối năm tăng khoảng 10-15% dịp cuối năm.

“Thời gian qua, công ty đã đẩy mạnh tuyển dụng bằng nhiều kênh khác nhau như qua trung tâm dịch vụ việc làm, mạng xã hội, các trang chuyên về tuyển dụng có mất phí, tuy nhiên vẫn chưa tuyển đủ lao động đáp ứng nhu cầu. Những năm trước khi có dịch, chỉ cần đăng tuyển lao động trên mạng xã hội, trang web của đơn vị là đã tuyển đủ. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một lượng lớn người lao động rời thành phố về quê đến nay vẫn chưa quay lại, thêm vào đó, sinh viên tại các trường đại học cũng vẫn đang học online, chưa trở lại thành phố nên nguồn cung lao động thời vụ bị khan hiếm. Hiện lao động thời vụ, công ty trả 200.000 đồng/ngày và 1 bữa ăn trưa. Cùng với lao động thời vụ, đơn vị cũng đang lên kế hoạch để tuyển dụng bổ sung nhiều vị trí cho năm 2022”, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Còn bà Hoàng Thị Vân Anh, chuyên viên nhân sự Hệ thống Siêu thị mẹ và bé Con cưng cho biết, để phục vụ việc kinh doanh của hàng chục các cửa hàng trên nhiều tỉnh thành, Công ty đang có nhu cầu tuyển khoảng 100 lao động với mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng, nhưng đến nay số lao động vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Từ các phiên giao dịch việc làm hàng ngày và phiên giao dịch trực tuyến, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định: Khi các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện linh hoạt, cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng lên từ 10-15% so với những tháng trước đây. Thời điểm này, người lao động cũng dần quay trở lại thị trường, nhưng lại có tâm lý quan sát rất kỹ về các biện pháp phòng chống dịch của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ mùa dịch cũng như vấn đề lương thưởng.

Vào thời điểm cuối năm này, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển cả lao động toàn thời gian và bán thời gian. “Do mục tiêu tuyển nhiiều lao động thời vụ nên yêu cầu đặt ra với các ứng viên không cao về kỹ năng, kinh nghiệm, quan trọng là sự chăm chỉ, sức khỏe tốt. Một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng lớn dịp cuối năm như công nhân sản xuất, may mặc, điện, điện tử, giao nhận, thương mại dịch vụ, bán lẻ…. Vào ngày 30/12, Trung tâm tiếp tục kết nối giao dịch việc làm trực tuyến với một số tỉnh thành. Dự báo, trong thời gian tới, nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, thị trường sẽ dần sôi động trở lại. Quý 1/2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao để phục vụ kế hoạch sản xuất của cả năm”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Chính sách phục hồi và phát triển thị trường lao động

Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm tiếp tục tăng tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất. Với nhiều lao động phổ thông, tâm lý e ngại về phòng dịch khiến nhiều lao động cân nhắc lựa chọn vị trí làm việc, nhất là nơi đông người.

Chú thích ảnhĐể tăng hiệu quả tuyển dụng, các đơn vị kết nối trực tuyến.

Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) đang triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, mục tiêu cụ thể của chương trình là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ người làm động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Để hỗ trợ phục hồi thị trường lao động bền vững, Bộ LĐTBXH nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; trong đó, tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác; Hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp chi trả sinh hoạt phí tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế; Phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm cho bản thân và cho những người lao động khác; Khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn ca, tiền lương, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội,...

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH và các địa phương hỗ trợ thu hút người lao động ngoại tỉnh đến làm việc tại địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thông qua tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, tạo điều kiện để người lao động di chuyển trở lại các địa phương đã từng làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng COVID-19 ít nhất 1 mũi trước khi di chuyển ra khỏi tỉnh đến các địa phương khác làm việc.

Bộ LĐTBXH chủ trương hướng dẫn doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới; hướng dẫn người sử dụng lao động về các cơ chế vay tiền để trả lương theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021; hỗ trợ chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức đào tạo trực tiếp cho lao động địa phương phù hợp với diễn biến của dịch bệnh; bổ sung thêm nguồn vốn vào Quỹ Quốc gia về việc làm để cho các hộ kinh doanh vay vốn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, Bộ LĐTBXH định hướng tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động; Kết nối cung – cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung – cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ.

 

Nguồn bài viết