Vùng biển quanh Côn Đảo: Điểm 'nóng' của xăng dầu lậu

3 năm trước 565
 Điểm nóng của xăng dầu lậu - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng cảnh sát biển 3 kiểm tra hầm chứa dầu trên tàu Siam Varich - Ảnh: CSB cung cấp

Mới nhất, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bắt tàu cá BT 99889 TS vận chuyển khoảng 180.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc vào ngày 8-3 ở vùng biển cách Côn Đảo khoảng 61 hải lý về hướng tây nam. 

Nhiều năm qua, các lực lượng chức năng trên biển liên tục phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ tàu chở dầu có hành vi tương tự.

Hàng triệu lít dầu không giấy tờ

Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Ban chỉ đạo 389), trong năm 2020 lực lượng cảnh sát biển và bộ đội biên phòng đã phát hiện và bắt giữ gần 2,8 triệu lít dầu DO không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. 

Trong đó, "chủ công" là cảnh sát biển với gần 2,3 triệu lít. Tàu chở dầu có khi là tàu của các tỉnh ven biển ở Việt Nam, tàu quốc tịch nước ngoài, thậm chí có cả tàu quốc tịch Mông Cổ.

Ngoài lực lượng cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải đoàn biên phòng 18, Cục Nghiệp vụ và pháp luật (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cũng liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển xăng dầu trên biển không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Tuy bắt giữ nhiều vụ với số lượng lớn nhưng theo nhận định của ngành chức năng, tình hình vận chuyển xăng dầu trái phép, buôn lậu xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, "vẫn ở mức đáng lo ngại" bởi vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu rộng lớn trong khi lực lượng, trang thiết bị, cơ chế giám sát, kiểm tra còn nhiều khó khăn.

Khó xử lý hình sự

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Trần Văn Khoái - trưởng phòng pháp luật Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 - cho biết trước việc cảnh sát biển bắt nhiều vụ tàu nước ngoài vận chuyển trái phép xăng dầu ở vùng biển Việt Nam trong những năm trước nên gần đây tình hình này có giảm. 

Tuy nhiên, theo thượng tá Khoái, việc vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển chắc chắn vẫn còn diễn ra vì chênh lệch giá xăng dầu trong nước và nước ngoài quá lớn.

Một chỉ huy của Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết thủ đoạn của những người mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép là dùng điện thoại vệ tinh để liên lạc và hẹn vị trí ngoài đường cơ sở, lãnh hải để cập tàu và sang mạn. 

Ngoài ra, theo tìm hiểu, thời gian gần đây có hiện tượng các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có chức năng cung cấp nước ngọt, đá, thực phẩm cũng lợi dụng để buôn bán xăng dầu ngay trên biển. 

Một cán bộ cơ quan chức năng cho hay rất có thể tàu hậu cần chạy lòng vòng ngoài biển mua dầu trôi nổi và bán lại cho các tàu cá ngay trên biển. Tàu cá được tàu hậu cần bán dầu trái phép chủ yếu là tàu của người thân trong gia đình.

Ông Lê Quang Hải, cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng cho biết đa số các vụ bắt vận chuyển xăng dầu không có giấy tờ đều xử lý hành chính, chứ ít vụ xử được hình sự. 

Về việc này, thượng tá Trần Văn Khoái cho biết để xử lý hình sự tội buôn lậu phải có yếu tố "biên giới", còn không thì chỉ xử lý hành chính về hành vi vận chuyển trái phép, hàng hóa trái phép.

Theo các lực lượng chức năng, việc bắt giữ các tàu vận chuyển dầu không có giấy tờ cũng gặp không ít khó khăn vì những người này thường chống đối quyết liệt. 

Có vụ họ còn dùng tàu để đâm va tàu của lực lượng kiểm tra hoặc thả chó trên tàu ra dọa nhân viên công lực. "Có vụ khi bị phát hiện, tàu chở dầu không có giấy tờ, thậm chí còn đưa giấy tờ có chữ nước ngoài lạ hoắc để làm khó lực lượng" - thượng tá Khoái cho biết.

Bộ Công thương sẽ tước giấy phép một số doanh nghiệp xăng dầuBộ Công thương sẽ tước giấy phép một số doanh nghiệp xăng dầu

TTO - Bộ Công thương cho hay đang kiểm tra, hậu kiểm hoạt động kinh doanh xăng dầu. Dự kiến có 4-5 doanh nghiệp bị rút giấy phép trong tổng số hơn 10 doanh nghiệp hậu kiểm.

Nguồn bài viết