Từ đêm 13-15/6, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có nơi mưa rất to, xảy ra lốc, sét

2 năm trước 264
Chú thích ảnhNgập ở khu vực ngã 5 Bà Triệu - Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương (Hà Nội) sau cơn mưa lớn vào khoảng 20 giờ ngày 13/6/2022. Ảnh: TTXVN phát

Dự báo lượng mưa tích lũy 24 giờ tới cụ thể như sau: Đêm 13 -14/6, Bắc Bộ và Thanh Hóa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm; riêng Lai Châu, Điện Biên, phía Bắc Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc từ 70-120mm, có nơi trên 150mm.

Từ đêm 14 - 15/6, khu vực Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.       

Thủ đô Hà Nội, từ đêm 13 - 14/6 có mưa vừa, mưa to và dông. Từ đêm 14-15/6 có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. 

Nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá: Cấp 1.

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ 21 giờ 15 phút ngày 13/6 đến 2 giờ 15 phút ngày 14/6, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa với tổng lượng mưa tích lũy phổ biến trong khoảng từ 30-70 mm, có nơi trên 120mm.

Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 30-40cm; một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 50-60cm bao gồm: Quận Đa (hầm Kim Liên, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng); Quận Ba Đình (Cao Bá Quát - đoạn trước Cty Môi trường đô thị Hà Nội, đường Đội Cấn); Quận Bà Trưng (Vân Hồ, Minh Khai - chân cầu Vĩnh Tuy, Nguyễn Công Trứ, Ngã 5 Bà Triệu, Lò Đúc); Quận Thanh Xuân (Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Bùi Xương Trạch, Cự Lộc, Triều Khúc, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng, Định Công, Ngõ 192 Lê Trọng Tấn...).

Quận Hoàn Kiếm (Nguyễn Hữu Huân, ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa, Thợ Nhuộm, Tôn Đản); Quận Tây Hồ (Trích Sài, ngã ba Thụy Khuê – dốc La Pho); Quận Cầu Giấy (Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Nguyễn Phong Sắc, Duy Tân, Trần Quốc Hoàn, Tô Hiệu, Nguyễn Khánh Toàn); Quận Hoàng Mai (Giải Phóng, Tân Mai, Nguyễn Xiển, Nguyễn Chính, Trương Định, Linh Đàm, Lĩnh Nam); Quận Bắc Từ Liêm (đường Phạm Văn Đồng, ga Nhổn); Quận Nam Từ Liêm (hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long, Trần Bình, Mỹ Đình, Bến xe Mỹ Đình, Trung Văn, Châu Văn); Quận Hà Đông (Mỗ Lao, khu đô thị Văn Phú, Lê Trọng Tấn, ngã 3 Quang Trung - Phan Đình Giót, bến xe Yên Nghĩa).

Theo phóng viên TTXVN tại Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện một số điểm ngập do cơn mưa lớn tối 13/6 gây ra. 

Tại khu vực Nguyễn Khuyến (đoạn trước cổng Trường Trung học Cơ sở Lý Thường Kiệt); Vương Thừa Vũ, Phan Văn Trường (khu vực cổng chợ, doanh trại Quân đội), Bùi Xương Trạch (đoạn từ số nhà 49 đến 93); Trần Bình (UBND phường Mai Dịch đến Bệnh viện 19/8); chân cầu Vĩnh Tuy, Phùng Khoan (đình Phùng Khoan); Nguyễn Chính  từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai); Cổ Linh (Long Biên)... đang úng ngập. 

Nước mưa không kịp thoát, dềnh lên vỉa hè, nhiều đoạn nước dềnh cao 20-30 cm. Do đang mưa lớn cùng với nước ngập khiến cho nhiều phương tiện lưu thông khó khăn. Một số phương tiện bị nước tràn vào động cơ, gây chết máy. Tại đường Cầu Giấy, nhiều đoạn nước mưa gây ngập sâu khoảng 30 cm, người tham gia giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Khu vực đường Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng nước cũng ngập sâu, nhiều ô tô phải dừng lại không dám lưu thông vì sợ bị ngập nước. Đối với phương tiện xe máy, nhiều chủ xe chủ động dừng lại, tìm chỗ tránh trú mưa. 

Do được dự báo từ trước nên khi xảy ra mưa to vào tối 13/6, các công nhân thoát nước thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã có mặt tại một số khu vực úng ngập để khơi thông dòng chảy, hướng dẫn, cảnh báo giao thông để người và phương tiện biết khu vực ngập, hạn chế lưu thông. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn trên diện rộng, vượt quá năng lực thoát nước nên xảy ra úng ngập tại một số khu vực trong nội thành.

Thông tin ban đầu cho biết, tại thời điểm 20 giờ 45 ngày 13/6, lượng mưa đo được tại Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa đều từ 75mm - 94mm. Hiện trên địa bàn Hà Nội vẫn đang mưa lớn, do đó có thể xuất hiện thêm các điểm ngập cục bộ.

Đề cập đến tình hình mưa dông, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) Trần Quang Năng cho biết hiện tượng dông, lốc xoáy, sét, mưa đá và gió giật mạnh tiềm ẩn mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân.

Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh. Khi có các thông tin cảnh báo mưa dông, người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố.

Người dân lưu ý trong những ngày nắng nóng cần theo dõi chặt chẽ cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để có biện pháp đề phòng thiệt hại do dông, lốc gây ra.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, lũ, lũ quét và nguy cơ sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu...

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại...

Nguồn bài viết