Tạo sản phẩm chất lượng để thu hút du khách đến Tây Ninh

5 ngày trước 7
Chú thích ảnhDu khách tham quan tượng Phật đồng cao nhất châu Á trên đỉnh Núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh). Ảnh tư liệu: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Năm 2024, Tây Ninh đặt mục tiêu đạt và vượt 5,5 triệu lượt khách. Trong khi đó, 10 tháng năm 2024, các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã thu hút khoảng 5 triệu lượt du khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 2.300 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030, du lịch là một trong những động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Mục tiêu này dần trở thành hiện thực khi những kết quả đạt được cho thấy Tây Ninh đang có những hướng đi mới hiệu quả.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, nhất là quảng bá điểm đến du lịch Tây Ninh có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu đã giúp định hình rõ về thị trường, tiềm năng, lợi thế, sản phẩm hiện có; từ đó, tạo ra được sự lan tỏa rộng rãi hình ảnh du lịch của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế. Trong đó, trọng điểm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen có vai trò kết nối, lan tỏa và thu hút khách du lịch đến Tây Ninh. Đồng thời, tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có từ du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... Ngành Du lịch tỉnh cũng tăng cường liên kết với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ để xây dựng những tour tuyến, sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút du khách.

Theo ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh, những năm qua, ngành Du lịch được Đảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, các thành viên Hiệp hội Du lịch đặc biệt chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước với nhiều hình thức từ truyền thống đến hiện đại nhằm kết nối, tìm kiếm thị trường.

Trong đó, Tây Ninh đã triển khai thực hiện các chương trình ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Phước, Long An, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. “Đây là cầu nối xây dựng, phát triển sản phẩm tour tuyến du lịch giữa Tây Ninh và các tỉnh, thành phố, quảng bá du lịch Tây Ninh đến du khách trong nước và quốc tế”, ông Ngô Trần Ngọc Quốc nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh, thông qua việc thực hiện hỗ trợ và tham gia tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã giới thiệu, quảng bá những điểm đến, sản phẩm du lịch của địa phương đến với số lượng lớn khách tham quan, góp phần tích cực cho tăng trưởng du lịch địa phương.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc cho biết, hiện nay, ngành Du lịch có nhiều thuận lợi, nhất là nhận thức về tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế -  xã hội địa phương ngày càng được nâng lên, từ đó huy động được ngày càng nhiều sự tham gia của các nguồn lực xã hội trong công tác phát triển du lịch. Song song đó, hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch cơ bản đã được trang bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc cũng nhìn nhận, vấn đề hiện nay là doanh nghiệp du lịch trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh và uy tín thương hiệu chưa cao. Trong khi đó, sản phẩm du lịch cũng chưa có nhiều tính hấp dẫn, một số dự án triển khai chậm nên việc phát huy tài nguyên du lịch chưa xứng tầm.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian tới các đơn vị, nhất là Hiệp hội Du lịch tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch Tây Ninh, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc. Đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển đa dạng các loại hình du lịch, kết hợp phát triển sản phẩm du lịch mới; đa dạng hóa thị trường khách du lịch bằng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách; đẩy mạnh liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành lớn tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đến khai thác thị trường khách du lịch tại tỉnh và thúc đẩy kết nối mạng lưới chi nhánh tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các hạ tầng kỹ thuật, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại cần được quan tâm nhiều hơn nữa nhằm đưa du lịch đến gần với các tầng lớp nhân dân khác nhau, khơi gợi cảm hứng, thúc đẩy mong muốn được đi du lịch, được trải nghiệm và khám phá.

Theo bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành Du lịch Tây Ninh đã làm tốt công tác kết nối, tổ chức quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong nước và quốc tế. Nhờ đó, thu hút du khách đến Tây Ninh, góp phần phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch.

Đặc biệt, các hoạt động do Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai đạt hiệu quả do được xây dựng kế hoạch bài bản, xác định được thị trường trọng điểm, các dòng khách mục tiêu để tập trung khai thác. Việc xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện du lịch trong và ngoài nước đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, trung bày quảng bá và bán các sản phẩm, từ đó góp phần xây dựng thương hiệu, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác.

Bà Cao Thị Ngọc Lan nhận định, liên tục từ năm 2018 đến nay, ngành Du lịch tỉnh, nhất là vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh đã tích cực phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các đoàn làm phim của Trung ương và các đơn vị, địa phương xây dựng các tập phim quảng bá cho du lịch Tây Ninh, góp phần tích cực đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh và của cả nước đến bạn bè trong nước, quốc tế.

Do đó, bà Cao Thị Ngọc Lan cho rằng, để giúp doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch, thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, nhất là vai trò Hiệp hội Du lịch tỉnh theo hướng tạo điều kiện, từ đó giúp thu hút doanh nghiệp tích cực hoạt động.

Theo kế hoạch của tỉnh Tây Ninh, để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho ngành Du lịch, từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh tập trung triển khai các chính sách đột phá, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đặc biệt, ngành Du lịch Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến, quảng bá rộng rãi đến các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Nguồn bài viết