Buổi tọa đàm với chủ đề "Viêm họng - Hiểu đúng để chọn đúng giải pháp" có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là các bác sĩ và dược sĩ
Với hơn 500 đại biểu tham dự là các bác sĩ, dược sĩ, chương trình đã mang đến nhiều thông tin, kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tai mũi họng.
Lạm dụng kháng sinh trong điều trị
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, cho hay: "Viêm họng là tình trạng phổ biến nhất trong các bệnh lý về tai mũi họng.
Mặc dù viêm họng có thể tự khỏi nhưng cũng có thể chuyển thành mãn tính hoặc gây ra các biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Hiểu sai về sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm họng cấp là một trong các nguyên nhân gây lạm dụng kháng sinh nhiều nhất tại Việt Nam".
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, chủ tịch Hội Tai mũi họng Việt Nam, nhận định viêm họng là tình trạng phổ biến nhất trong các bệnh lý về tai mũi họng
Cũng theo PGS Chung Thủy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ đề kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Bản đồ sử dụng kháng sinh năm 2015 của Tổ chức IMS Health cũng cho thấy Việt Nam thuộc nhóm nước sử dụng nhiều kháng sinh.
Trong khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn hiệu quả thì Việt Nam đã phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. "Đáng lo ngại hơn, nước ta đã xuất hiện một số loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh", bà nhấn mạnh.
Viêm họng - hiểu đúng để chọn đúng giải pháp
Hội Tai mũi họng Việt Nam phối hợp cùng với Công ty Reckitt Việt Nam tổ chức chuỗi tọa đàm với chủ đề "Viêm họng - Hiểu đúng để chọn đúng giải pháp" với mục tiêu giúp các bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế cập nhật nhiều kiến thức mới trong việc điều trị bệnh viêm họng cũng như nâng cao nhận thức về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh tai mũi họng.
Tại buổi tọa đàm, các chủ đề quan trọng được đưa ra như việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh tai mũi họng và tình trạng đề kháng kháng sinh tại Việt Nam, cũng như cập nhật điều trị viêm họng cấp thời kỳ hậu COVID-19 - vai trò của thuốc tác dụng tại chỗ, cùng các chuyên đề nghiên cứu khoa học khác.
PGS.TS.DS Bùi Thị Hương Quỳnh, phó khoa dược, Bệnh viện Thống Nhất, cho rằng lựa chọn thuốc trong điều trị bệnh đường hô hấp rất quan trọng. Mọi người nên hạn chế sử dụng kháng sinh (trừ khi có chẩn đoán rõ ràng bệnh nhân bị nhiễm khuẩn).
Bên cạnh đó, người dân có thể sử dụng hỗ trợ bằng các thuốc giảm đau kháng viêm tại chỗ (NSAID - là nhóm các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid, bao gồm nhiều hoạt chất khác nhau và không có tác dụng gây nghiện).
Bà Nguyễn Thị Thu Loan, giám đốc y khoa của Reckitt Việt Nam, chia sẻ các biện pháp hỗ trợ có thể giúp cải thiện các triệu chứng viêm họng cấp
Có cùng quan điểm, BS Nguyễn Thị Thu Loan, giám đốc y khoa của Reckitt Việt Nam, nhận định lạm dụng kháng sinh trong viêm họng cấp làm tăng tỉ lệ kháng kháng sinh.
Theo bà, Viện Quốc gia về chăm sóc y tế xuất sắc của Anh (NICE) đưa ra khuyến nghị về việc quản lý và điều trị sớm các triệu chứng của viêm họng như là liệu pháp đầu tay trong điều trị viêm họng cấp. Đồng thời hạn chế hoặc trì hoãn sử dụng kháng sinh cũng sẽ làm chậm sự xuất hiện của tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng.
BS Loan cũng chia sẻ, trong điều trị viêm họng cấp, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ như giảm đau hạ sốt bằng paracetamol, bổ sung đủ nước và dinh dưỡng đầy đủ, có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như flubiprofen liều thấp 8,75mg (cũng thuộc nhóm NSAID) sẽ giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng đau họng, khó nuốt và sưng họng.
Chuỗi tọa đàm với chủ đề "Viêm họng - Hiểu đúng để chọn đúng giải pháp" sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 23-9-2022 tại khách sạn Novotel Hà Nội. Dự kiến PGS.TS.BS Lê Công Định, trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Bạch Mai, sẽ phát biểu khai mạc cũng như có bài tham luận cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm họng cấp.
Dự kiến ThS.DS Nguyễn Thị Tuyến, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, sẽ trình bày về việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh tai mũi họng và tình trạng đề kháng kháng sinh tại Việt Nam.