Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng, phụ huynh rơi nước mắt khi con qua cơn nguy hiểm

2 năm trước 196
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng, phụ huynh rơi nước mắt khi con qua cơn nguy hiểm - Ảnh 1.

TS Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), thăm khám bệnh nhi N.H.L. (12 tuổi, ngụ quận Tân Bình) tái sốc sốt xuất huyết. Theo phụ huynh, bệnh nhi có biểu hiện sốt cao, ói liên tục nên gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu vào giữa đêm, đồng thời test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính. Sau vài ngày điều trị tích cực, dự kiến bệnh nhi xuất viện trong 2 ngày tới

Ghi nhận Tuổi Trẻ Online tại khoa sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chiều 10-5, rất đông trẻ lớn và nhỏ mắc bệnh sốt xuất huyết từ nặng đến nhẹ đang nằm điều trị.

Tại phòng cấp cứu - nơi bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng nằm điều trị, tiếng tít tít từ các thiết bị y tế phát ra liên tục, còn nhân viên y tế đi lại giữa các giường bệnh không ngơi nghỉ. Nhiều phụ huynh ngồi cạnh trông con không giấu được lo lắng, thường xuyên đặt nhiều câu hỏi với y bác sĩ liên quan đến tình trạng bệnh của trẻ.

Ngồi cạnh thành giường nắm lấy cánh tay nhỏ xíu bầm đen của đứa con 4 tháng tuổi, chị T.N. (ngụ quận 12) rơi nước mắt vui mừng vì con gái đã qua cơn nguy hiểm sau khi mắc bệnh sốt xuất huyết rất nặng.

"Lúc con đến bệnh viện cấp cứu, bác sĩ chuyển sang ngay vào khoa hồi sức tích cực và nói cơ hội sống của con chỉ còn 40-50%. Lúc đó tôi lo lắm, vì bệnh rất nặng mà con còn quá nhỏ, chỉ mới 4 tháng tuổi. Hiện giờ con vẫn còn nặng nhưng đã qua nguy kịch", chị N. chia sẻ.

TS Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết thời tiết đang vào mùa mưa, do đó số trẻ mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại bệnh viện đang tăng.

Hiện khoa điều trị nội trú 40 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 10% người bệnh nặng và cảnh báo nặng. Hầu hết bệnh nhân nặng này đều có biểu hiện đau bụng nhiều, ói nhiều, máu bị cô đặc khó lưu thông, không ăn uống được...

Một số bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng, suy đa tạng... cần truyền dịch, truyền các chế phẩm máu, hỗ trợ hô hấp. Thậm chí có trường hợp rất nặng phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương.

TS Minh Tuấn chia sẻ thêm, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã cứu sống nhiều trẻ mắc sốt xuất huyết nặng. Tuy nhiên đã có 3 trẻ tử vong do phát hiện muộn rồi nhập viện trễ, trong đó có 2 ca ở tỉnh chuyển đến, 1 ca ở TP.HCM.

UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống ngành y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn TP chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận và điều trị sốt xuất huyết.

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng, phụ huynh rơi nước mắt khi con qua cơn nguy hiểm - Ảnh 2.

Một bệnh nhi 8 tháng tuổi (ngụ quận 12, TP.HCM) bị sốt xuất huyết rất nặng. Sau chuỗi ngày điều trị tại khoa hồi sức tích cực, hai cánh tay của bệnh nhi bị thâm tím nhưng đã qua cơn nguy kịch. Hiện bệnh nhi vẫn đang được theo dõi và điều trị tại khoa sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1.

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng, phụ huynh rơi nước mắt khi con qua cơn nguy hiểm - Ảnh 3.

Không chỉ trẻ nhỏ, nhiều trẻ lớn cũng mắc sốt xuất huyết nặng

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng, phụ huynh rơi nước mắt khi con qua cơn nguy hiểm - Ảnh 4.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết ở mức độ trung bình, nhẹ nhưng vẫn nhập viện theo dõi, điều trị. Thông thường, những bệnh nhi này mất khoảng 7 ngày nằm viện và được cho xuất viện sau đó

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng tăng, phụ huynh rơi nước mắt khi con qua cơn nguy hiểm - Ảnh 5.

Những ngày qua, các y bác sĩ, sinh viên thực tập tại khoa sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 làm việc không ngơi nghỉ

 Cơ sở y tế chuẩn bị ứng phó sốt xuất huyếtTP.HCM: Cơ sở y tế chuẩn bị ứng phó sốt xuất huyết

TTO - UBND TP.HCM yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống ngành y tế, bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn TP chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, phương tiện cấp cứu để tiếp nhận thu dung và điều trị sốt xuất huyết.

Nguồn bài viết