Toyota chật vật vì thiếu chip bán dẫn, lợi nhuận giảm mạnh

2 năm trước 164
Chú thích ảnhLogo hãng Toyota. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong 6 tháng đầu tài khóa 2022 (tài khóa tính từ ngày 1/4/2022 - 31/3/2023), Toyota ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.170 tỷ yen (7,9 tỷ USD). Trong khi đó, lợi nhuận kinh doanh (phần lợi nhuận mà công ty có được sau khi khấu trừ các chi phí sản xuất, vận chuyển) trong cùng giai đoạn giảm 34,7% xuống 1.140 tỷ yen trong khi doanh thu đạt 17.700 tỷ yên, tăng 14,4%. Tính riêng trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9, lợi nhuận kinh doanh của hãng này giảm xuống còn 562,7 tỷ yen (3,79 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với mức ước tính trung bình 772,2 tỷ yen mà 12 nhà phân tích thuộc hãng Refinitiv đưa ra trước đó.  

Lợi nhuận kinh doanh giảm do chi phí nguyên liệu đầu vào như thép và nhôm tăng cao hơn. Giá đồng yen giảm giúp lợi nhuận tăng hơn 500 tỷ yen, song không đủ để bù lại những tác động do các yếu tố tiêu cực khác. 

Theo các nhà quản lý Toyota, môi trường kinh doanh đang thay đổi đáng kể, chẳng hạn như tỷ giá hối đoái lên xuống thất thường, lãi suất tăng và chi phí nguyên liệu leo thang…Trong khi đó, thế giới tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu chip bán dẫn do tốc độ phục hồi nguồn cung chậm khi nhiều hãng chế tạo chật vật vì thiên tai và các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch COVID-19.

Mặc dù vậy, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới giữ nguyên dự báo mức lợi nhuận ròng của tài khóa 2022 đạt 2.360 tỷ yen, song điều chỉnh tăng dự báo doanh thu lên 36.000 tỷ yen, cao hơn con số 34.500 tỷ yen được đưa ra hồi tháng 8 vừa qua, nhờ đồng yen giảm giá. 

Do tình trạng thiếu chip bán dẫn ảnh hưởng đến nhiều nhà chế tạo ô tô, Toyota quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất của cả tài khóa hiện nay. Theo đó, hãng sẽ giảm sản lượng từ 9,7 triệu xe được công bố vào tháng 5 vừa qua xuống còn 9,2 triệu xe.

Nguồn bài viết