Tin sáng 6-10: Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Lao động ngoài nước vượt kế hoạch

1 năm trước 109
 Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Lao động ngoài nước vượt kế hoạch - Ảnh 1.

Xe ben bị CSGT xử phạt vì chở quá tải 45% - Ảnh: PC08

TP.HCM sử dụng thiết bị ghi hình xe cơi nới, chở quá tải

Sở Giao thông vận tải vừa đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì và tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm: chở hàng vượt quá tải trọng, chở quá tải cầu đường. Tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại đầu mối xếp dỡ hàng hóa, các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, nhất là vào ban đêm, tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường.

Đặc biệt, sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh phương tiện vi phạm, đặc biệt là các xe cơi nới kích thước thành thùng, làm cơ sở để xử lý vi phạm hành chính về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe. Đồng thời tổng hợp danh sách các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.

Các đơn vị thường xuyên điều chỉnh thời gian kiểm tra tải trọng xe tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến quốc lộ 1, quận Bình Tân nhằm phòng ngừa vi phạm tải trọng. Tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý trên các tuyến đường gần khu vực trạm kiểm tra tải trọng xe tự động, trạm cân lưu động để ngăn chặn tình trạng xe quá tải "né" trạm. 

Bộ Y tế kiểm tra, giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM

Sau khi ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM, chiều 6-10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có buổi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Buổi giám sát, kiểm tra thực hiện theo quyết định số 2682 của Bộ Y tế ngày 3-10 về việc thành lập 6 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ; Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (trưởng đoàn 1) tổ chức đoàn đi kiểm tra tại TP.HCM.

Cụ thể, đoàn Bộ Y tế thăm, kiểm tra công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau đó đoàn làm việc tại Bệnh viện Da liễu và kiểm tra công tác cách ly, điều trị, phòng chống lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Dịp này, đoàn kiểm tra cũng sẽ họp với các đơn vị của TP.HCM.

Theo báo cáo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên là bệnh nhân nữ 35 tuổi đi từ Dubai về. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô mài, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau, bệnh nhân phục hồi sức khỏe, PCR dịch tiết một số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính.

Hơn 860ha rừng bị chặt phá trong 9 tháng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, diện tích rừng bị thiệt hại quý 3-2022 là 276,5ha, giảm 77,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu là rừng bị chặt, phá với 275,1ha, tăng 4,3%, diện tích rừng bị cháy là 1,4ha, giảm 99,9%.

Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 887,9ha rừng bị thiệt hại, giảm 62,2% so với cùng kỳ năm trước.

 Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Lao động ngoài nước vượt kế hoạch - Ảnh 2.

Học viên học tiếng Nhật tại một cơ sở ở Bến Tre, chuẩn bị đi xuất khẩu lao động

Vượt kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 9 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 103.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, trong đó có trên 37.000 lao động nữ. Con số này đạt 114,47% kế hoạch năm 2022. Trước đó, số lượng dự kiến khoảng 90.000 người.

Các thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất là Nhật Bản với gần 52.000 người, Đài Loan khoảng 44.500 lao động, tiếp đến là Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… 

Số người lao động sang châu Âu làm việc "khiêm tốn" hơn, có thể kể đến như Romania 540 lao động, Hungary 522 lao động, Nga 318 lao động…

Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những thị trường trọng điểm, tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam do có điều kiện làm việc tốt, mức thu nhập khá cao. Những ngành nghề phổ biến là sản xuất chế tạo, nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ chăm sóc y tế.

 Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Lao động ngoài nước vượt kế hoạch - Ảnh 3.

Bệnh nhân mua thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Cần thay đổi cơ chế đấu thầu để tăng cường nguồn cung thuốc điều trị

Ngày 5-10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã làm việc với bà Soccoro Escalante, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, về xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc điều trị.

Thứ trưởng Sơn cho biết việc xây dựng danh mục, nhu cầu thuốc cấp quốc gia năm 2023 và những năm tiếp theo, đặc biệt là với thuốc thiếu, có nguy cơ thiếu là một nhiệm vụ quan trọng trong điều trị, cấp cứu người bệnh.

Tại cuộc họp, bà Soccoro Escalante nói thuốc điều trị phải sẵn có trên thị trường và đảm bảo cung ứng đủ cho công tác khám chữa bệnh. Trong đó, thuốc thiết yếu cần phải nằm trong danh mục được cấp phép.

Theo bà Soccoro Escalante, Cục Quản lý dược cần xác định danh mục thuốc hiếm, các loại thuốc sử dụng thường xuyên, thuốc có thể thay thế, thuốc sử dụng trong cộng đồng để luôn đảm bảo nguồn cung ứng. Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia có trách nhiệm xem xét tổ chức đấu thầu tập trung các thuốc hiếm, thuốc sử dụng trong hồi sức cấp cứu, chống độc, chuyên khoa không thể thay thế…

 Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Lao động ngoài nước vượt kế hoạch - Ảnh 4.
 Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Lao động ngoài nước vượt kế hoạch - Ảnh 5.
 Bộ Y tế vào TP.HCM giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Lao động ngoài nước vượt kế hoạch - Ảnh 6.
 Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảmTin sáng 5-10: Xử lý ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất; Hàng hóa chở bằng máy bay đang giảm

TTO - Cơ sở lưu trú, du lịch có thể được hưởng giá điện như sản xuất; Dự kiến kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 là 145 tỉ đồng; Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 9 giảm; Cả nước có 883 đô thị... là một số tin tức đáng chú ý hôm nay.

Nguồn bài viết