Tin nổi bật ngày 6/5

3 năm trước 294

Chiều 6/5, Việt Nam có thêm 56 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng

Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 6/5, Việt Nam ghi nhận thêm 60 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 4 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 56 ca mắc ghi nhận trong nước tại 9 tỉnh, thành phố.

Chú thích ảnhPhun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Thông tin về ca mắc 60 ca mắc mới (BN3031-3090), có 56 ca mắc ghi nhận trong nước tại Vĩnh Phúc (11 ca), Thái Bình (5 ca), Bắc Ninh (12 ca), Hà Nội (4 ca), Hải Dương (1 ca), Hưng Yên (2 ca), Quảng Ngãi (1 ca), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (16 ca), Đà Nẵng (3 ca), Lạng Sơn (1 ca) và 4 ca nhập cảnh tại Thái Nguyên (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Khánh Hòa (2 ca).

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 6/5, Việt Nam có tổng cộng 1.690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 120 ca.

Rà soát, truy vết liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, các cơ quan y tế đã phối hợp với bệnh viện thực hiện rà soát, tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ 827 nhân viên y tế, học viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có mặt tại bệnh viện.

Kết quả ghi nhận đến chiều 6/5 có 42 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, còn lại âm tính. Trong các trường hợp dương tính Hà Nội có 8 ca, 33 ca còn lại là của các địa phương khác. Với tinh thần thần tốc, truy vết, cách ly, khoang vùng, điều trị hiệu quả, hàng loạt địa phương đã triển khai các biện pháp cụ thể.

Ngày 6/5, tỉnh Hưng Yên đã họp trực tuyến khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó khi tỉnh có 3 trường hợp mắc COVID-19 từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Cả 3 trường hợp này là người trong một gia đình ở phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào.

Trước đó, chiều 5/5, Trung tâm Y tế thị xã Mỹ Hào nhận được thông báo bà Lê Thị Ngọc H. (sinh năm 1966, trú tại tổ dân phố Nguyễn Xá, phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào) dương tính với SARS-CoV-2 (bệnh nhân số 3013). Từ ngày 23/4, bà H đi chăm chồng ốm đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Tối 28/4, bà H về nhà ngủ cùng con gái và cháu ngoại, đến sáng 6/5, cả con và cháu bà H đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt người dân thực hiện nghiêm Thông điệp 5K. Các cơ quan, đơn vị bố trí 50% số người làm việc tại nhà; tiếp tục dừng các hoạt động dịch vụ không cần thiết như hàng quán, vui chơi giải trí, cơ sở tôn giáo và các hoạt động tập trung đông người.

Ngày 6/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ban hành công điện số 9 về phòng, chống dịch COVID-19, khuyến cáo người dân không đi đến các vùng có dịch.

Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xác định được 146 người có liên quan trực tiếp tới ổ dịch ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nguy cơ rất cao làm lây lan dịch trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gửi ngay danh sách trên cho các huyện, thị xã, thành phố để khẩn trương rà soát, truy vết, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định. Công tác rà soát, truy vết phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 6/5 và các mẫu xét nghiệm được gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trước 18 giờ ngày 6/5. Trung tâm có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ số mẫu và tổ chức xét nghiệm xong trước 7 giờ ngày 7/5.

Thanh Hóa kêu gọi tất cả người dân đã từng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong khoảng thời gian từ ngày 14/4 đến nay và các điểm dịch theo thông báo của Bộ Y tế phải khai báo y tế với chính quyền địa phương để được hướng dẫn biện pháp cách ly phù hợp.

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang, tính đến 7 giờ ngày 6/5, qua rà soát sơ bộ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 58 người dân từng đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội) trong khoảng thời gian từ 14/4 - 4/5.

Sở Y tế tỉnh Tuyên Quang đang yêu cầu tất cả các trường hợp người dân trên địa bàn tỉnh đi về và đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 từ ngày 14/4 đến nay phải liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ..

Bộ trưởng Bộ Y tế và các thứ trưởng được tiêm vaccine phòng COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Ngày 6/5, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thứ trưởng, cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Các lãnh đạo Bộ Y tế và những người thực hiện tiêm chủng đều cho biết sức khỏe của họ sau tiêm đều hoàn toàn bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ: Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến.

Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe.

Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm. Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu, đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Đồng thời diện đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.

Đến nay, Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội.

Theo ghi nhận, đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ…và thường hết sau 24 giờ. Tỷ lên này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai an toàn.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, toàn bộ số vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn cung nước ngoài về Việt Nam sẽ được tiêm hết vào ngày 15/5. Chính phủ cũng đã thảo luận rất kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất và tổ chức tiêm vaccine, giao Bộ Y tế hoàn chỉnh trong tháng 5/2021.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyết cáo, tiêm vaccine chỉ là một trong những biện pháp phòng ngừa COVID-19; không có tác dụng phòng ngừa 100%. Bởi vậy, sau khi tiêm vaccine, người được tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Với COVID-19, người dân phải thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, khai báo y tế).

Học sinh TP Hồ Chí Minh sẽ tạm ngừng đến trường từ ngày 10/5

Bắt đầu từ ngày 10/5, tất cả học sinh học tập tại TP Hồ Chí Minh sẽ tạm ngưng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19 cho đến khi có thông báo mới.

Chiều ngày 6/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động và Thương binh Xã hội; UBND thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện về tạm ngưng các hoạt động dạy học trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chỉ đạo tạm ngưng các hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ ngày 10/5 cho đến khi có thông báo mới.

Các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo hình thức dạy và học trên mạng internet, đảm bảo đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng để hoàn tất chương trình năm học 2020- 2021 theo quy định.

Riêng đối với học sinh lớp 9 và lớp 12, để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi cuối cấp và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, tùy theo điều kiện cụ thể, hiệu trưởng các trường có thể cân nhắc, xây dựng phương án duy trì tổ chức học tập trực tiếp, báo cáo Sở hoặc phòng Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và các cán bộ, giáo viên, nhân viên, tuân thủ đầy đủ các tiêu chí được qui định tại Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với các cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các qui định về phòng, chống dịch bệnh của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, đặc biệt là yêu cầu 5K.

Đối với các hoạt động dạy, học không thể tổ chức dạy trên mạng internet như thí nghiệm, thực tập... tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, thủ trưởng các đơn vị này có thể cân nhắc chủ động quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, cách thức triển khai phù hợp nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và các văn bản chỉ đạo của Thành phố.

Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Bị cáo Trần Ngọc Ánh bị đề nghị từ 15-16 năm tù

Chiều 6/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1980, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) từ 9-10 năm tù về tội “Buôn lậu”, từ 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Ngọc là từ 14-16 năm tù.

Đối với 12 bị cáo bị truy tố về tội “Buôn lậu”, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: Trần Ngọc Ánh (sinh năm 1974, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) từ 15-16 năm tù; Đỗ Quốc Huy (sinh năm 1983, Giám đốc bán hàng Công ty Nhật Cường) từ 13-14 năm tù; Nguyễn Bảo Trung (sinh năm 1988, trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (sinh năm 1970, trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cùng bị đề nghị từ 12-13 năm tù (riêng bị cáo Phạm Văn Hiệp bị tổng hợp với bản án cũ 3 năm tù, hình phạt chung đối với bị cáo Hiệp là từ 15-16 năm tù); Nông Văn Lư (sinh năm 1985, nhân viên Công ty Nhật Cường) từ 9-10 năm tù; Hoàng Văn Phong (sinh năm 1990, Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường), Bùi Quốc Việt (sinh năm 1970, nhân viên Công ty Nhật Cường), Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1973, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng), Ngô Tuấn Sửu (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn), Lê Hoài Phương (sinh năm 1987, nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc), Trần Tất Khoa (sinh năm 1981, Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc) cùng bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù; Ngô Đức Tùng (sinh năm 1991, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) từ 3-4 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (sinh năm 1972, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị đề nghị mức án từ 4-5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài án phạt tù, đại diện Viện Kiểm sát còn đề nghị tịch thu sung công quỹ Nhà nước các vật chứng là hàng hóa nhập lậu, điện thoại di động, máy vi tính là phương tiện các bị cáo sử dụng liên lạc để thực hiện hành vi buôn lậu; tiếp tục tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với khoản tiền hơn 774 tỷ đồng và hàng hóa có hóa đơn chứng từ thu giữ của Công ty Nhật Cường trong quá trình khám xét; tiếp tục phong tỏa 7 tài khoản có số dư hơn 8,5 tỷ đồng của bị can Đoàn Mạnh Phong (hiện đang bỏ trốn) tại các ngân hàng, khi nào bắt được bị can Phong sẽ giải quyết sau.

Bản luận tội nêu rõ, Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) là người trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của công ty. Quá trình kinh doanh, để thực hiện hành vi buôn lậu điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ, Bùi Quang Huy đã thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (đặt tại Quảng Châu, Trung Quốc) và thuê Trần Tất Khoa làm Giám đốc để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa từ Hồng Công về Quảng Châu (Trung Quốc) sau đó đưa về Việt Nam không qua các thủ tục nhập khẩu hàng hóa, khai báo Hải quan. Trong thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy đã trực tiếp và chỉ đạo các nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép tổng số 2.502 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm có tổng trị giá thanh toán hơn 2.927 tỷ đồng. Sau đó, Huy đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận thuê các đường dây vận chuyển hàng hóa trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam giao cho Công ty Nhật Cường tiêu thụ.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bùi Quốc Huy, từ năm 2014, bị cáo Ngọc và bị cáo Hằng đã thực hiện ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên 2 hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng. Trong đó, Bùi Quang Huy là người trực tiếp chỉ đạo, có vai trò chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu trong vụ án; Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Thị Bích Hằng là người thực hành trong vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức, có sự câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu tại Công ty Nhật Cường. Bùi Quang Huy đã chỉ đạo các bị cáo khác trong vụ án tham gia thực hành, giúp sức thực hiện tội phạm, trực tiếp thực hiện hành vận chuyển trái phép hàng hóa, giúp sức cho Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu…

Trong số các bị cáo, bị cáo Trần Ngọc Ánh bị Viện Kiểm sát đánh giá là giữ vai trò tích cực nhất, chỉ sau Bùi Quang Huy. Ánh là người thực hành, trực tiếp cùng Bùi Quang Huy thực hiện hành vi buôn lậu hơn 255.000 sản phẩm, với tổng trị giá hơn 2.927 tỷ đồng. Trần Ngọc Ánh được Bùi Quang Huy giao nhiệm vụ phụ trách toàn bộ hoạt động kinh doanh và theo dõi, quản lý hàng hóa mua vào bán ra. Ánh biết rõ Công ty Nhật Cường nhập lậu các mặt hàng điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ Hồng Kông, Singapore... về Việt Nam để bán ra thị trường thu lời bất chính. Thực hiện chỉ đạo của Bùi Quang Huy, Ánh trực tiếp giao dịch mua bán với các nhà cung cấp và các đường dây vận chuyển để đưa hàng về Việt Nam.

Bị cáo Đỗ Quốc Huy được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý toàn bộ việc mua, bán, phân phối, tiêu thụ các mặt hàng của Công ty Nhật Cường, biết rõ Công ty Nhật Cường nhập lậu các mặt hàng điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác từ Hồng Công, Singapore... về Việt Nam để bán ra thị trường thu lời bất chính. Huy là người tư vấn giá mua cho Trần Ngọc Ánh, để Trần Ngọc Ánh duyệt trước khi tiến hành giao dịch mua điện thoại; chỉ đạo Mai Tiến Dũng mua điện thoại của nhà cung cấp; trực tiếp tạo 90 đơn hàng “nhập khẩu không VAT” do Bùi Quang Huy và đồng phạm mua của 10 nhà cung cấp ở nước ngoài…

Đối với Giám đốc tài chính Nguyễn Bảo Ngọc, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Ngọc biết rõ việc Công ty Nhật Cường nhập lậu các mặt hàng điện thoại di động và các sản phẩm hàng hóa khác; giúp Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh quản lý, theo dõi và thanh toán tiền mua hàng nhập lậu của 16 nhà cung cấp và tiền vận chuyển cho 9 nhà vận chuyển. Nguyễn Bảo Ngọc thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm, là người giúp sức cho Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh buôn lậu. Ngoài ra, bị cáo Ngọc còn cùng với bị cáo Hằng đã thực hiện ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng…

Sau khi đại diện Viện Kiểm sát luận tội và đề nghị mức án, các luật sư, các bị cáo đã tham gia tranh tụng, đưa ra những luận điểm, luận cứ nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi vi phạm cho các bị cáo.

Từ 12 giờ ngày 6/5, Quảng Ninh tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch

Kể từ 12 giờ ngày 6/5, tỉnh Quảng Ninh sẽ tạm dừng hoạt động tham quan, du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch, các di tích, danh thắng… (bao gồm cả vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các tuyến du lịch biển đảo) trên toàn tỉnh.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm thông điệp "5K" tại các quảng trường, công viên, vườn hoa trên địa bàn tỉnh. Các di tích là cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng không đón khách tham quan; thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng nội bộ, không tập trung đông người, đảm bảo “5K”, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 1- 2 mét theo quy định, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước đó, ngày 3/5, Quảng Ninh đã thực hiện biện pháp cách ly tạm thời toàn bộ hành khách của tàu Ambassador Cruise, một tàu du lịch nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, do trên tàu có một nhân viên bộ phận bếp là F1 của ca mắc COVID-19 liên quan đến ổ dịch ở tỉnh Hà Nam.

Nguồn bài viết