Đồ họa: NGỌC THÀNH
Theo yêu cầu của Chính phủ, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi phải hoàn thành trong tháng 8. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Y tế, đến 1-9 vẫn còn nhiều tỉnh thành đạt thấp (dưới 65%), trong khi tỉ lệ chung toàn quốc đã đạt 84,8%. Trong số này có Đà Nẵng (60,9%), Quảng Nam (64,3%), TP.HCM (55,8%), Bình Dương (60,6%).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 11.414.359 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.029 ca nhiễm).
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.027 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.187.787 ca.
Số bệnh nhân đang thở oxy là 107 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 95 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy không xâm lấn: 0 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca; ECMO: 0 ca.
Từ 17h30 ngày 31-8 đến 17h30 ngày 1-9 không ghi nhận ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 1 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.117 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 31-8 có 417.215 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 257.063.479 liều.
Nhật Bản bổ sung 500.000 nhân viên y tế tham gia tiêm chủng
Theo TTXVN, quy định tại Nhật Bản, nhân lực phụ trách tiêm chủng các loại vắc xin chỉ hạn chế đối với những người có chứng chỉ bác sĩ, y tá. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều địa phương của Nhật Bản đã không thể đảm bảo đủ nhân lực để triển khai công tác tiêm chủng, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và tiến độ tiêm chủng chung.
Trước tình hình này, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã đưa ra quyết định sẽ từng bước chấp thuận thêm 3 trường hợp được phép tổ chức tiêm chủng là bác sĩ nha khoa, kỹ thuật viên xét nghiệm lâm sàng và nhân viên cứu hộ, cứu nạn.
Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản sẽ tiếp tục thảo luận và xem xét bổ sung 2 trường hợp là kỹ thuật viên phóng xạ trị liệu và kỹ thuật viên y khoa được phép tổ chức tiêm chủng.
Với việc cấp phép cho thêm 5 đối tượng, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng có thể bổ sung 500.000 nhân lực phụ trách công tác tiêm chủng, bên cạnh số lượng bác sĩ, y tá đang đảm nhiệm công tác này.
Trước xu hướng dịch vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản hiện đang thúc đẩy tiêm vắc xin mới chống các dòng phụ của biến thể Omicron.