Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu bệnh nhân - Ảnh minh họa: TTXVN
Động thái này diễn ra sau khi thời gian qua, tại các bệnh viện liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế.
Điển hình, một số vụ việc xảy ra gần đây như: Ngày 27-7-2022 tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), bác sĩ P.H.T. bị người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cá cho bé gái.
Ngày 30-7-2022, tại khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, một bệnh nhân cầm dao rượt đuổi nhân viên y tế.
Ngày 6-8-2022, tại khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), tiếp tục có một bác sĩ bị tấn công từ một đối tượng có vật bằng sắt nhọn...
Ngay sau khi nhận được đề nghị của Bộ Y tế, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an có văn bản đề nghị trưởng phòng PC06 công an các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo đó, C06 đề nghị trưởng phòng PC06 công an các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo việc tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, phương thức, thủ đoạn... hoạt động của tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, giúp người dân nâng cao cảnh giác các hành vi vi phạm pháp luật và ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi thăm khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh, cũng như quyền lợi, trách nhiệm của công dân trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình theo chức năng của lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, nhất là những địa bàn có bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên xảy ra các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Chủ động cung cấp, củng cố số điện thoại đường dây nóng và xây dựng phương án, kế hoạch giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh trật tự có thể xảy ra...
Cảnh sát khu vực, cán bộ làm công tác cảnh sát khu vực, tăng cường công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người; công tác quản lý cư trú tại khu vực bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh. Rà soát, lập danh sách các đối tượng có hành vi lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, "cò mồi" khám chữa bệnh...
Cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; đồng thời phối hợp tổ chức phân luồng, phân tuyến giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực trước cổng bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh.
Cảnh sát phản ứng nhanh luôn đảm bảo quân số, phương tiện, công cụ hỗ trợ và tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận các tin báo đến số điện thoại 113, cũng như nhanh chóng, kịp thời điều động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện có mặt tại hiện trường để giải quyết xử lý ban đầu có hiệu quả các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự tại các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các hành vi đe dọa tính mạng, sức khỏe của nhân viên y tế, bác sĩ, cản trở hoạt động khám chữa bệnh và các hoạt động công tác chuyên môn khác của đơn vị.
Trước đó, Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký kết quy chế số 03/QC-BCA-BYT về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế; Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ký kết quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC về bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.