Thúc đẩy chuyển đổi số ở Đồng bằng sông Cửu Long

2 năm trước 136
Chú thích ảnhQuang cảnh hội thảo. 

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các bộ, ngành Trung ương,  lãnh đạo của 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số cùng các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị đánh giá , kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế vùng đang chậm lại, ô nhiễm môi trường gia tăng, tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng đang bị suy thoái, các trung tâm tiếp vận hậu cần lớn chưa được hình thành, xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông thuỷ sản giá trị gia tăng thấp… Bên cạnh đó, vùng còn đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu, xâm nhập mận, thay đổi dòng chảy sông Mê Công ảnh hưởng ngày càng nặng nề.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, chuyển đổi số để cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên đã được Chính phủ xác định là nhiệm vụ ưu tiên trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn vùng.

Ưu tiên chuyển đổi số trong giáo dục

Chú thích ảnhThứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại hội thảo. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ, cụ thể các bài toán phát triển cần giải quyết để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế… ở Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu giúp người dân thoát nghèo, nâng cao chất được cuộc sống.

Trong lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Phan Tâm gợi ý nên chuyển đổi số bằng cách ứng dụng "Bác sĩ AI" có thuật toán khám, chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác, hoàn toàn tự động; triển khai nền tảng tư vấn, khám chữa bệnh từ xa để mỗi người dân có một bác sĩ riêng, được kết nối các bệnh viện Trung ương và địa phương, sử dụng bác sỹ tốt nhất cho người dân trong vùng. Mỗi người dân một sổ sức khỏe điện tử theo suốt cuộc đời.

Lĩnh vực giáo dục có thể thực hiện chuyển đổi số bằng cách chọn nền tảng dạy, học trực tuyến, học sinh nông thôn cũng được giảng dạy bởi giáo viên tốt nhất ở thành thị hoặc ở nước ngoài, học sinh mọi miền đều có cơ hội tiếp cận học liệu như nhau; công tác giảng dạy được hỗ trợ bằng AI, học sinh được hỗ trợ tự học, cá thể hóa theo trình độ, năng lực.

“Vùng nên cân nhắc chọn chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số 1 để phát triển nhanh nhân lực số; cho phép, thúc đẩy đại học số. Đại học số không cần nhiều giảng đường, giáo viên. Đại học số thì sinh viên vẫn ở nhà, vẫn cày cấy giúp bố mẹ và vẫn học đại học. Đại học số thì nhiều người có thể học đại học. Đại học số có thể giúp giải quyết bài toán thiếu nhân lực số…”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và chuyển đổi số là hoạt động tất yếu cần được ưu tiên triển khai. Cần Thơ với vị thế là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có những thuận lợi về kinh tế - xã hội, vị trí địa lý. Vì vậy, việc đi nhanh, đi trước trong khai thác tiềm năng thế mạnh của thành phố để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số của vùng là xu thế tất yếu.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ đã cơ bản xây dựng đầy đủ khung pháp lý về chuyển đổi số, trong đó xác định chuyển đổi số đảm bảo trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cần Thơ cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số cấp thành phố. Các ngành, địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để triển khai thực hiện...

“Theo đánh giá, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Vì vậy, ngoài việc chuyển đổi số gắn với mục tiêu phục vụ người dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, còn phải góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả vùng”, ông Dương Tấn Hiển nói.

Dữ liệu là tài nguyên quý giá

Chú thích ảnhQuang cảnh hội thảo. 

Chia sẻ tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chuyển đổi số dù được rất quan tâm, nỗ lực, song quá trình này vô cùng khó và diễn ra chậm.

"Hiện đã có ý kiến đề xuất sớm có đạo luật về cơ sở dữ liệu, vì hiện nay, dữ liệu là lĩnh vực rất lớn, ai làm chủ được dữ liệu thông tin, người đó sẽ làm chủ về kinh tế và làm chủ thế giới. Thế nhưng chúng ta lại chưa có luật về dữ liệu, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hoàn chỉnh, khoa học. Bộ Công an có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, song có nhiều lĩnh vực khác chúng ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia”, ông Quân cho hay.

Nhận định dữ liệu là một tài sản, tài nguyên, có đặc thù rất đặc biệt, càng chia sẻ giá trị càng lớn, ông Quân cho rằng cơ sở dữ liệu càng nhiều người dùng, giá trị càng lớn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số còn thiếu, nhất là tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Tây Bắc. Do đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số, tăng mức đầu tư về nguồn lực vật chất và tài chính cho chuyển đổi số.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Chuyển đổi số tài nguyên, môi trường và nông nghiệp, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, hiện Việt Nam đã có đầy đủ hệ thống pháp lý để triển khai cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI), trong đó, hạ tầng dữ liệu không gian địa lý có vai trò rất quan trọng, ví dụ như về đất đai, tài nguyên, nông nghiệp.

Theo ông Thắng, cần thống nhất một khung tiêu chuẩn, sàn dữ liệu của quốc gia, của vùng, tránh "cát cứ" thông tin, dữ liệu về lĩnh vực này. Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều thuận lợi để triển khai hạ tầng dữ liệu không gian địa lý để phát triển cho cả vùng. Cụ thể, dữ liệu tài nguyên, môi trường có liên hệ rất sâu với ngành nông nghiệp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần dựa trên các dữ liệu này chứ không phải theo truyền thống để lại. Do đó, chuyên gia của VNPT cho rằng cần hình thành hệ thống hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) của Đồng bằng sông Cửu Long về tài nguyên, đất đai, nông nghiệp và môi trường.

Nguồn bài viết