Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon: Bài 1 – Người dân nhiều địa phương 'nói không' với túi nilon

2 năm trước 190
Chú thích ảnhĐâu đâu cũng thấy xuất hiện túi nylon bởi sự tiện lợi của nó trong đời sống hàng ngày của người dân. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trước tác động nghiêm trọng của loại rác thải nhựa này đối với môi trường, phong trào loại bỏ túi nilon khỏi thói quen sinh hoạt hàng ngày đã được nhân rộng trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ nước ta cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, các trung tâm thương mại, siêu thị sẽ thay thế hoàn toàn túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy bằng các loại vật liệu thân thiện hơn với môi trường.

Bài 1: Người dân nhiều địa phương “nói không” với túi nilon

Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa từ thói quen sử dụng túi nilon và các  sản phẩm nhựa dùng một lần như: ống hút, thìa, đĩa nhựa… nhiều địa phương đã có các sáng kiến trong việc thực hiện những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn như: thực hiện triệt để việc “nói không với túi nilon” tại các điểm du lịch, áp dụng việc tiết giảm sử dụng túi nilon ngay từ gia đình các hội viên phụ nữ các cấp. Điều này đã và đang góp tiếng nói mạnh  tuyên truyền, vận động  dần loại bỏ thói quen sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân.

Người dân Cù Lao Chàm "nói không" với túi nilon

Ngay khi bước chân lên đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nếu du khách sử dụng túi nilon sẽ được người dân tại đây nhắc nhở khéo léo, đồng thời tuyên truyền, vận động về quy định của đảo. Người dân giúp họ chuyển đổi túi ni lông bằng các loại túi sinh thái. Nhiều khách du lịch tỏ ra rất thích thú với việc mua quà và quà được gói vào giấy báo thay thế cho túi nilon.

Hơn 10 năm gần đây, vật dụng quen thuộc của các bà nội trợ ở Cù Lao Chàm là những chiếc giỏ thân thiện với môi trường, trong giỏ ấy, mớ rau con cá đều được gói gém bằng các loại lá hoặc giấy dễ tiêu hủy.

Một số nhà hàng, quán café còn sáng tạo nên những loại bao bì, vật dụng độc đáo. Phải kể đến như: ống hút làm từ sậy, tre, trúc thay thế cho các ống hút nhựa. Dù biết là giá cả sẽ đắt đỏ hơn, doanh thu cũng sẽ giảm, tuy nhiên vì lợi ích chung cũng như sức khỏe của người dùng, không ít các nhà hàng, quán nước trên đảo đã chuyển sang mô hình mới này.

Bên cạnh việc phát giỏ nhựa, Ban Quản Lý Khu Bảo Tồn Biển Cù Lao Chàm cũng đã cho thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận dộng người dân, để bà con nhận rõ tác hại của túi ni lông cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp.

Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản Lý Khu Bảo Tồn Biển Cù Lao Chàm cho biết, qua 10 năm thực hiện, Cuộc vận động “Giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi nilon” đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho địa phương như: môi trường được gìn giữ, các bãi biển không còn rác thải nhựa, túi nilon. Nhận thức của người dân và du khách đều được nâng cao rõ rệt trong việc từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Không ít du khách sau khi rời khỏi Cù Lao Chàm đã thay đổi thói quen dùng túi nilon. Chính nhờ thói quen ấy mà hòn đảo xinh đẹp này đã gìn giữ được môi trường trong lành, thân thiện.

Giảm thiểu sử dụng túi nilon ngay từ các gia đình

Bà Nguyễn Thị Đệm, sinh năm 1959 là hội viên của chi hội phụ nữ khối 6, phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Từ năm 2020 đến nay, bằng sự khéo léo của mình, bà Đệm đã sử dụng cuộn dây nilon để đan, thắt thành các túi đi chợ, túi đựng chai nước, túi đựng điện thoại. Trung bình 1 ngày, bà Đệm đan, thắt được một túi, vừa sử dụng cho cá nhân và gia đình, vừa đưa cho hội viên phụ nữ phường sử dụng trong công việc hàng ngày thay túi nilon.

Bà Nguyễn Thị Đệm cho biết, mục đích của việc đan túi là nhằm hạn chế việc sử dụng túi nilon dùng một lần. Việc đan túi chắc chắn giúp cho bà và gia đình có thể tái sử dụng nhiều lần, không còn phải sử dụng túi nilon loại dùng một lần rồi bỏ như trước đây. Cách làm của bà cũng được nhiều chị em Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thắng Lợi hưởng ứng, tin dùng để hạn chế rác thải.

Thắng Lợi là phường trung tâm của thành phố Buôn Ma Thuột nên có đông dân cư, nhiều trường học, cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh. Hình ảnh những bà, những chị xách túi tự đan, tự thắt đi chợ đã và đang góp phần tuyên truyền về chống rác thải nhựa, giảm thiểu sử dụng túi nilon.

Ngoài ra, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ phường đã phát động hội viên hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, xây dựng và nhân rộng mô hình “Thu gom phế liệu, tạo môi trường xanh, gây quỹ từ thiện”.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thắng Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, để thay đổi thói quen sử dụng túi nilon trong sinh hoạt đòi hỏi công tác tuyên truyền liên tục, trong thời gian dài. Đến nay, trên địa bàn phường Thắng Lợi, các chi Hội đã triển khai cuộc vận động giảm thiểu sử dụng túi nilon đến từng hội viên phụ nữ. Chị em khi đi chợ thì dùng làn hoặc dùng túi sử dụng nhiều lần, túi vải, túi tái chế thay thế cho túi nilon trước kia.

TP Hồ Chí Minh hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa

Xe đẩy và một chiếc túi xinh bằng vải là người bạn thân thuộc đối với chị Huỳnh Như Trân, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, một nhân viên văn phòng, mỗi khi đi mua sắm tại siêu thị. Thay vì mỗi sản phẩm phải sử dụng một túi nilon để đựng thì nay chị đặt tất cả vào chiếc túi vải của mình. Lâu dần, việc loại bỏ túi nilon thay bằng chiếc túi sử dụng nhiều lần thân thiện với môi trường để đựng hàng hóa đã thành thói quen với chị.

Còn đối với Phương Ngân, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, một bạn trẻ thường xuyên đi dã ngoại với cuộc sống năng động hiện đại, để tiện lợi, Phương Ngân thường chọn sử dụng các loại đũa, muỗng sử dụng một lần. Tuy nhiên, điều đặc biệt là những sản phẩm mà Phương Ngân sử dụng đều được làm bằng chất liệu giấy, gần gũi với thiên nhiên và dễ phân hủy.

Với xu hướng sống xanh, sống sạch hiện nay tại TP Hồ Chí Minh, xuất hiện khá nhiều cửa hàng bán lẻ hay các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị đang nỗ lực để đa dạng phương thức đóng gói đồng thời cũng để giảm thiếu đến mức tối đa việc sử dụng các sản phẩm bằng nilon và các sản phẩm từ nhựa. Với nhiều ưu đãi và nhiều mô hình sáng tạo, các đơn vị này đã bước đầu đánh được vào tâm lý và nhận thức của khách hàng.

Mặc dù vậy, trong khi các chuỗi siêu thị lớn, hệ thống bán lẻ nỗ lực để đẩy lùi việc sử dụng túi nilon và rác thải nhựa thì ở chiều ngược lại, tại các chợ truyền thống, hầu hết hàng hóa tại đây đều được đóng gói bằng bao bì nilon. Ngoài ra, có thể nói đại dịch COVID-19 cũng đã làm thay đổi rất lớn hành vi tiêu dùng của người dân, các nghị định cách ly xã hội đã làm bùng nổ mua sắm online và thay đổi thói quen ăn uống tại chỗ của người tiêu dùng  khiến lượng sử dụng rác thải nhựa, bao bì nilon tăng lên đáng kể. Đây là những nguyên nhân khiến lượng rác thải nhựa và bao bì nilon chưa thể thuyên giảm.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, một trong những mục tiêu quan trọng trong năm 2022 là hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong tất cả các hoạt động hàng ngày của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, người dân trên địa bàn thành phố. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn thải nhựa phát sinh trên địa bàn, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa.

Bài cuối – Thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khi mua sắm

Nguồn bài viết