Ảnh minh họa: health.clevelandclinic.org
Tâm thần phân liệt là một loại bệnh sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, nó khiến người bệnh gặp ảo giác và trở nên hoang tưởng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 1 trong 300 người trên thế giới đang mắc phải căn bệnh này. Điều đáng nói hơn, tất cả chúng ta đều sẵn có nguy cơ rơi vào tình trạng này.
Mới đây nhất, nghiên cứu của Đại học Cardiff (Anh) đã chỉ ra 287 vùng gene trong bản đồ DNA của con người được cho là có khả năng gây ra bệnh tâm thần phân liệt. Bên cạnh đó, một nhóm các nhà khoa học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đồng thời phát hiện 10 gene đột biến làm tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Ông Benjamin Neale, một trong những thành viên nghiên cứu bệnh tâm thần phân liệt tại MIT, cho biết thêm: "Tất cả chúng ta đều có 1% khả năng mắc bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng nếu bạn có một trong 10 đột biến gene này, nó sẽ khiến bạn có khả năng mắc tâm thần phân liệt lên đến 10%, 20%, thậm chí 50%".
Cho đến hiện nay, loại thuốc phổ biến để chữa trị tâm thần phân liệt là chlorpromazine, một loại thuốc gây mê có khả năng ngăn ngừa ảo giác. Dẫu vậy, loại thuốc này vẫn chưa thực sự giải quyết cũng như điều trị dứt điểm tình trạng bệnh.
Thêm vào đó, một số biện pháp phục hồi chức năng tâm lý như giúp người bệnh cải thiện khả năng hòa nhập xã hội thông qua nói chuyện từ phía gia đình, người thân cũng chưa thực sự giúp giải quyết nguyên nhân cốt lõi gây ra bệnh.
Tuy nhiên, việc phát hiện các gene và vùng gene đột biến gây ra khả năng mắc chứng tâm thần phân liệt, được cho là bước tiến quan trọng nhằm tìm ra phương hướng chữa trị tận gốc căn bệnh này.
Giáo sư James Walters, thành viên nghiên cứu tâm thần học Đại học Cardiff, hy vọng: "Phát hiện này có thể giúp nâng cao hiểu biết của các nhà tâm thần học về chứng rối loạn gene. Từ đó tạo ra hướng phát triển các phương pháp điều trị hoàn toàn mới mà không cần sử dụng thuốc".