Nắng nóng, dịch COVID-19: Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tăng cả ngàn người khám

3 năm trước 657
 Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tăng cả ngàn người khám - Ảnh 1.

BS.CKII Vũ Kim Hoàn thăm khám một trường hợp gặp bất ổn về tâm lý, tâm thần - Ảnh: XUÂN MAI

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh về các bệnh lý tâm thần trong tháng 4 là 19.850 lượt, tăng 2.870 lượt so với tháng 3 (16.979 lượt), trong đó bệnh rối loạn loạn thần (F20 - F29) tăng mạnh nhất, tăng hơn 1.000 lượt. So với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 6.000 ca.

Vậy thời tiết nóng bức và ảnh hưởng đại dịch COVID-19 có tác động đến lượng bệnh nhân khám các bệnh lý về tâm thần gia tăng? Tuổi Trẻ Online đã có buổi trao đổi với BS.CKII VŨ KIM HOÀN - phó phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên khoa tâm thần - nội khoa tổng quát Bệnh viện Tâm thần TP.HCM:

'Cò súng' thúc đẩy gia tăng rối loạn tâm thần

* Số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện gia tăng và rơi đúng vào thời tiết tại các tỉnh miền Nam oi bức. Vậy đây có phải là nguyên nhân khiến số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện gia tăng không, thưa bác sĩ?

- Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm thần cũng như tâm lý của mỗi người. Nóng nhiệt có liên quan và ảnh hưởng tất cả các vấn đề trong đời sống, trong xã hội.

Chúng không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng là nguyên nhân gián tiếp, là "cò súng", là yếu tố tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần, cũng như làm sức đề kháng cơ thể giảm sút nếu trạng thái nóng nhiệt kéo dài.

Vào thời điểm sau khi ông Lý Quang Diệu nhậm chức thủ tướng Singapore, ông đã đi khảo sát một xưởng may có năng suất làm việc thấp. Ở đây, ông thấy công nhân làm việc trong không gian nóng hầm hập, tù túng nên đã cải tạo xưởng trở nên thoáng đãng, mát mẻ hơn. Cũng từ đó, ông thấy công dân làm việc tập trung hơn, lỗi sản phẩm ít hơn, năng suất sản phẩm cao hơn.

Đây là một ví dụ cho thấy tác động của môi trường làm việc, trong đó có yếu tố nhiệt độ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.

* Bác sĩ cho biết 'con đường' gây ra các bệnh lý tâm thần vì nắng nóng được hình thành cụ thể ra sao. Có phải ai cũng có thể mắc?

- Người dân thường hay nói đùa câu: "nóng muốn khùng luôn", "trời nóng quá không ngủ được". Với người bình thường, nóng nhiệt đã làm mất ngủ, dễ bực bội, khó chịu, thậm chí gây hấn, thì những người có vấn đề về tâm thần hay tâm thần tiềm ẩn sẽ dễ rơi vào tình trạng dễ bị kích động, khó chịu và có thể dẫn đến tình trạng loạn thần.

Không cơ thể nào kham nổi khi sống, làm việc, học tập trong môi trường thời tiết oi bức kéo dài. Nếu không biết cách bảo vệ như cung cấp không đủ nước; không đủ dinh dưỡng cho cơ thể, chúng ta sẽ dễ bị mất nước, rối loạn thân nhiệt và điện giải.

Một khi sức khỏe thể chất giảm sút thì kéo theo năng suất lao động giảm và tinh thần không ổn định. Nếu không sớm giải quyết môi trường nóng bức chắc chắn sẽ dẫn đến hậu quả nêu trên. Ngoài ra, tình trạng say nắng, sốc nhiệt nếu không xử trí tốt, kịp thời cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tăng cả ngàn người khám - Ảnh 2.

Số lượt khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tăng nhanh trong tháng vừa qua, trùng với thời điểm nhiệt độ oi bức, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 (ảnh chụp trưa 12-5) - Ảnh: XUÂN MAI

Trầm cảm, lo âu vì dịch COVID-19 tác động nguồn thu

* Bác sĩ nói có nhiều nguyên nhân tác động đến tâm lý mỗi người. Trước những hậu quả mà đại dịch COVID-19 gây ra trong suốt hơn một năm rưỡi qua và có thể còn kéo dài trong thời gian tới, chúng ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của người dân?

- Tôi từng điều trị cho một bệnh nhân là tài xế xe ôm công nghệ bị trầm cảm, lo âu vì phải đối mặt vòng luẩn quẩn về "cơm, áo, gạo, tiền" trong thời gian dài.

Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn, dành dụm mua được một chiếc xe 4 chỗ trả góp để chạy. Nhưng do ảnh hưởng dịch, con cái nghỉ học không ai chăm, lượng khách lại ít đi đáng kể nên nguồn thu không đủ để trả tiền góp cho chiếc xe cũng như trang trải cuộc sống.

Đây chỉ là một trong những trường hợp điển hình gặp vấn đề tâm thần do ảnh hưởng các đợt dịch COVID-19 mà chúng tôi tiếp nhận. Phần lớn bệnh nhân là những người trưởng thành, do tác động tài chính dẫn đến thay đổi hàng loạt vấn đề trong cuộc sống.

* Cần làm gì để chúng ta vượt qua trầm cảm, lo âu trong thời điểm này?

- Ai trong chúng ta cũng có thể gặp bất ổn về tâm lý, tâm thần. Người ta thường hay nói "ra ngõ là gặp stress", nên stress được bàn bạc trong mỗi cuộc sống của con người. Tuy nhiên, có người vượt qua được, nhưng có người lại không, đặc biệt là nữ giới có lối sống khép kín, yếu đuối sẽ dễ bị các rối loạn về trầm cảm, lo âu hoặc hỗn hợp lo âu - trầm cảm.

Có bệnh nhân chịu đựng trầm cảm cả chục năm trời mới tìm đến bác sĩ. Họ chia sẻ có những giai đoạn cố gắng vượt qua được, nhưng do nhiều yếu tố tác động nên lại rơi vào "hố sâu" trầm cảm không lối thoát, từ đó mới đến bệnh viện để khám và điều trị.

Để vượt qua các rối loạn trầm cảm, lo âu này, chúng ta có thể sắp xếp lại công việc, tổ chức lại cuộc sống, cân bằng lại các yếu tố (môi trường gia đình và xã hội), thư giãn, tạo cảm giác thoải mái, suy nghĩ tích cực, tập buông bỏ những gì không quan trọng, không cần thiết trong cuộc sống. Hãy ngủ đủ giấc, ăn đủ chất dinh dưỡng.

Nếu nặng hơn nên đến các cơ sở y tế điều trị chuyên khoa tâm thần để được các bác sĩ chuyên khoa tâm thần khám, tư vấn rõ ràng, điều trị đúng, giúp bạn chóng bình phục, mạnh khỏe để hòa nhịp với cuộc sống tươi đẹp trước kia.

Vượt qua stress, trầm cảm mùa COVID-19Vượt qua stress, trầm cảm mùa COVID-19

TTO - Một số bạn trẻ hiện nay đang stress, thậm chí trầm cảm vì những kế hoạch, dự định trong công việc phút chốc dang dở vì "Cô Vy". Làm gì để vượt qua?

Nguồn bài viết