Cùng với Chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và người dân, nhiều doanh nghiệp cũng quyết liệt hơn khi hưởng ứng các giải pháp, chính sách thiết thực để đạt được mục tiêu chung, hướng đến phát triển bền vững.
Báo động thực trạng chất thải nhựa chưa qua xử lý
Vấn đề rác thải nhựa đang ngày càng trở nên cấp bách và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường
Theo báo cáo của Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Việt Nam là một trong số 4 quốc gia hàng đầu toàn cầu có khối lượng chất thải nhựa chưa được xử lý.
Tương tự các quốc gia đang phát triển và trong khu vực, các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam phát sinh từ hộ gia đình, khu thương mại dịch vụ, công sở và khu vực công cộng, dịch vụ công cộng và các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất.
Trong những năm gần đây, chất thải khó phân hủy từ các đồ gia dụng nhựa, túi ni lông có xu hướng gia tăng đang là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý chất thải rắn ở Việt Nam. Tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh trên toàn quốc năm 2019 đã tăng 46% so với năm 2010. Trong đó, TP.HCM là một trong những đô thị có chỉ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt cao vượt trội.
Đặc biệt, chất thải nhựa khó phân hủy đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý, công tác xử lý chất thải nhựa chưa thực sự được chú trọng theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế gây tác hại lớn đến môi trường và kinh tế.
Theo PRO Việt Nam, Phần lớn chất thải bao bì ở Việt Nam chưa được xử lý phù hợp. Tại TP.HCM, chỉ có khoảng 11% chất thải nhựa được thu gom để tái chế.
Tác động có thể thấy rõ đến môi trường cảnh quan như các hình ảnh về các bãi rác lộ thiên gây mất mỹ quan tại các đô thị, khu dân cư, khu vực công cộng; ô nhiễm môi trường đất, nước mặt, nước ngầm do nước rỉ rác với nhiều thành phần kim loại nặng và chất nguy hại… không xử lý đạt yêu cầu theo quy định.
Thiệt hại về kinh tế do không quản lý triệt để chất thải rắn không chỉ bao gồm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường, mà còn bao gồm chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, thiệt hại đến một số ngành như du lịch, thủy sản...
Nâng cao ý thức cộng đồng thu gom, xử lý rác thải
Theo các chuyên gia, nếu tận dụng tối đa các lợi thế từ hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải thì sẽ là nguồn động lực tích cực trong phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp môi trường nói riêng.
Đại diện Tập đoàn Novaland và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)ký kết hợp tác chiến lược.
Trước thực trạng đó mới đây, Tập đoàn Novaland và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) ký kết hợp tác chiến lược trong chương trình phân loại và thu gom rác thải tái chế tại nguồn.
Ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác với Novaland, Ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam cho biết, PRO Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện chu trình thu gom, xử lý bao bì thông qua hợp tác với chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị bao bì, từ đó tăng khả năng tái chế, giảm tình trạng thải bao bì ra môi trường.
Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra trong các hợp tác, trong đó PRO Việt Nam xác định nhóm giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn cần được truyền thông rộng rãi.
Ông Fausto Tazzi, Phó giám đốc PRO Việt Nam chia sẻ: "Thông qua dự án hợp tác này, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức của người dân trong chương trình của chúng tôi để tạo ra các sản phẩm có giá trị từ chất thải tái chế, góp phần xây dựng những không gian sống xanh, thân thiện với môi trường - những giá trị tốt đẹp mà Novaland vẫn luôn hướng đến khách hàng, cư dân của mình".
Tham dự Chương trình, Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết TP.HCM đã và đang không ngừng nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững gắn với mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Các hoạt động giảm thiểu rác thải, phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải theo hướng bền vững, phát triển đô thị thông minh bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng TP xanh, thân thiện môi trường được lãnh đạo và người dân Thành phố hưởng ứng tích cực.
"Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có những nỗ lực thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thể hiện qua những chiến lược, chính sách quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh. TP.HCM cũng nỗ lực hoàn thiện và năng cấp hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nhằm đảm bảo 100% chất thải rắn được xử lý đúng. Việc này cũng rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và ý thức của người dân" - bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ chia sẻ.
Theo thỏa thuận hợp tác này, bước đầu, chương trình sẽ được triển khai tại các khu dân cư của Tập đoàn trên địa bàn TP.HCM với nhiều hoạt động thiết thực nhằm khuyến khích, nâng cao nhận thức và phát huy tinh thần chủ động của mỗi người dân, đặc biệt là trẻ em trong việc phối hợp, tham gia vào quá trình thu gom, phân loại rác thải.
Ông Bùi Xuân Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, cũng khẳng định, sau giai đoạn đầu phối hợp cùng PRO Việt Nam thực hiện chương trình phân loại, thu gom và tái chế rác thải tại các khu dân cư của Tập đoàn trên địa bàn TP.HCM, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện tại các tỉnh khác có dự án của đơn vị.
Theo ông Bùi Xuân Huy, trong suốt quá trình 29 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Novaland đã xây dựng hoàn thiện chiến lược phát triển đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng với các mục tiêu, lợi ích về môi trường và xã hội theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.