Mẫu vật chứng dùng pha trộn xăng giả do công an thu giữ - Ảnh: T.TÂN
Bộ Công thương cho biết đang kiểm tra, hậu kiểm và sẽ tước giấy phép xăng dầu với một số doanh nghiệp kinh doanh đầu mối và phân phối vi phạm.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp có năng lực hạn chế nhưng vẫn được phân giao hạn ngạch xăng dầu. Thông tin và số liệu báo cáo định kỳ chỉ thu thập cho có theo quy định.
Hoạt động mua bán, vận chuyển xăng lậu thường diễn ra chóng vánh; các đối tượng lợi dụng các khu đất xa khu dân cư, hoặc trà trộn vào các khu công nghiệp, kho tàng bến bãi đỗ xe nhằm lẩn tránh sự kiểm tra kiểm soát, hoặc tồn trữ xăng dầu để mua bán trái phép.
Ông Thân Đức Công (cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT)
Vẫn "lọt lưới" dù quản chặt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Bảo - quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu - cho rằng quy định về kinh doanh xăng dầu khá chặt chẽ. Đây là ngành kinh doanh có điều kiện, là mặt hàng do Nhà nước quản lý, nên các quy định cơ chế chính sách đặt ra phải đảm bảo cho việc quản lý hoạt động này lành mạnh, phát triển, an toàn, an ninh năng lượng. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia và cấp phép để hoạt động trên thị trường.
Cụ thể, theo thông tư 38 quy định chi tiết một số điều của nghị định 83 (về kinh doanh xăng dầu) yêu cầu thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu hay thương nhân phân phối đều phải đăng ký hệ thống phân phối xăng dầu định kỳ với Bộ Công thương. Nếu có sự thay đổi hệ thống phân phối xăng dầu, trong thời gian 10 ngày với doanh nghiệp phân phối và 30 ngày với doanh nghiệp đầu mối, phải gửi đăng ký điều chỉnh về Bộ Công thương.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được yêu cầu phải báo cáo về số liệu nhập, xuất, tồn kho xăng dầu, tồn kho tại các miền định kỳ hằng quý, năm và báo cáo nhanh khi được yêu cầu. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, với yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ cũng như trong trường hợp có thay đổi, cơ quan quản lý phải biết rõ thực trạng kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.
"Với những báo cáo, rà soát hằng năm, doanh nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu, cơ quan chức năng có thể nhắc nhở, cảnh cáo hoặc rút giấy phép" - vị này nói.
Ông Thân Đức Công - cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) - cho biết trong năm 2020, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý hơn 4.500 vụ việc liên quan đến xăng dầu.
Các hành vi vi phạm chủ yếu như thay đổi đo lường làm sai lệch kết quả, không niêm phong kẹp chì nắp bồn xe, bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh khi giấy chứng nhận đủ điều kiện đã hết hiệu lực, bán xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn, xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc...
Theo quy định, một cửa hàng chỉ có một đầu mối và thương nhân đầu mối phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng hệ thống cửa hàng đại lý của mình. Việc báo cáo quyết toán do cơ quan thuế thực hiện và chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý thị trường chỉ phối hợp với cơ quan thuế trong việc dán tem cột bơm.
"Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thuế trong việc xác định gian lận thương mại của các đại lý kinh doanh xăng dầu thông qua kê khai hóa đơn và niêm phong dán tem cột bơm sẽ kiểm soát tốt hành vi này" - ông Công khuyến cáo.
Kho xăng của đại gia Trịnh Sướng nằm ven quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc xã An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) - Ảnh: CHÍ QUỐC
Bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng
Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng để hoạt động hiệu quả và cạnh tranh trên thị trường, cần phải đặt ra hạn mức tối thiểu mà hằng năm các doanh nghiệp phải cung ứng, tức là có sản lượng đủ lớn để hoạt động, bởi thị trường xăng dầu rất cạnh tranh.
Trong thực tế, nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định thương nhân đầu mối xăng dầu được phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu hằng năm phải đáp ứng các điều kiện về sở hữu/thuê hạ tầng (cầu cảng, bồn chứa, kho, xe chở, cửa hàng và các đại lý...).
Tuy vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện nhưng không bị xử lý đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, theo báo cáo của Bộ Công thương về điều chỉnh hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu năm 2020, dự kiến tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường là 22,8 triệu m3/tấn. Tuy nhiên, trong danh sách 37 doanh nghiệp đầu mối, chỉ riêng 4 doanh nghiệp được phân giao tổng nguồn gần 15 triệu m3/tấn, 17 doanh nghiệp được phân giao hơn 7 triệu m3/tấn và có tới 15 doanh nghiệp có tổng lượng phân giao chỉ khoảng 500.000 m3/tấn.
Trong đó, một doanh nghiệp được phân giao tổng nguồn nhưng không thực hiện. Ngoài ra, tình trạng hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp, việc thẩm lậu bằng nhiều hình thức nên dù có nhiều lực lượng chức năng tham gia quản lý như công an, biên phòng, đội chống buôn lậu, hải quan, quản lý thị trường... cũng rất khó để kiểm soát. "Những đường dây xăng dầu kém chất lượng quy mô lớn thời gian qua chắc chắn tồn tại trong thời gian dài" - một chuyên gia ngành xăng dầu nhận định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng - cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, liên quan nhiều người nên có xăng dầu lậu, xăng giả sẽ có rất nhiều người tiêu dùng chịu thiệt. Những vụ việc xăng dầu lậu, xăng dầu giả quy mô lớn bị phát hiện thời gian gần đây cho thấy sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng. Tuy vậy, theo ông Hùng, những đối tượng tham gia kinh doanh xăng dầu lậu, giả này cần phải được xử lý nghiêm để răn đe.
"Qua một số vụ như Trịnh Sướng hay vụ việc mới đây ở Đồng Nai cho thấy xăng dầu lậu, xăng kém chất lượng là có thật và người tiêu dùng đang bị thiệt hại. Nhưng làm cách nào người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại, cần cơ chế nào?
Với việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, rà soát hoạt động kinh doanh xăng dầu, nâng cao chức năng quản lý địa phương và bộ liên quan, cũng cần có cơ chế bồi thường cho người tiêu dùng như quỹ bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực xăng dầu" - ông Hùng đề nghị.
Nguồn: Bộ Công thương - Đồ họa: T.ĐẠT
Buộc đấu nối trực tiếp với cơ quan thuế
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các đối tượng kinh doanh xăng dầu lậu là để trốn thuế, nên đầu ra của xăng dầu cần được quản lý chặt chẽ. Bởi khác thuốc lá hay rượu bia, kinh doanh xăng dầu phải có cửa hàng, bán hàng qua cửa hàng.
Do vậy, nếu yêu cầu tất cả cửa hàng đấu nối trực tiếp cơ quan thuế, kiểm soát qua việc niêm phong cột bơm, yêu cầu có hóa đơn đầu ra, sẽ xác định lượng xăng dầu bán ra trong ngày là bao nhiêu... sẽ là phương pháp chặt nhất để xăng dầu lậu không có đất sống.
Nhiều cơ quan quản lý, không rõ trách nhiệm?
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiều 12-3, trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Công thương liên quan đến hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu bị phát hiện gần đây, ông Trần Duy Đông - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) - cho rằng hoạt động kinh doanh xăng dầu chịu sự quản lý của nhiều cơ quan chức năng, như công an, hải quan, tài chính, biên phòng, cảnh sát biển, Bộ Công thương.
Trong đó, Bộ Công thương có chức năng chính là chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng và phát triển hệ thống phân phối. Cũng theo ông Đông, Bộ Công thương thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và hậu kiểm. Ngay trong cuối năm 2020 đã kiểm tra và sẽ có báo cáo để xử lý những thương nhân kinh doanh xăng dầu không đúng quy định.
Bộ cũng đang soạn thảo, sửa đổi nghị định 83 để khắc phục những bất cập, đảm bảo tính minh bạch hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào thực chất. Đặc biệt, vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu cũng được điều chỉnh cho hợp lý hơn, chuyển thành tổng nguồn tối thiểu để đảm bảo an toàn chất lượng...