Người tạo dựng dòng điêu khắc tranh kính nghệ thuật tại Việt Nam

2 năm trước 589
Chú thích ảnhÔng Phạm Hồng Vinh (bên phải) đang giới thiệu nghệ thuật làm tranh kính.

Ông Phạm Hồng Vinh cho biết: Khác với vẽ trên giấy chỉ có một mặt, cái khó nhất của nghề tranh kính là có hai mặt, sau khi điêu khắc đến công đoạn tô màu phải có cách vẽ đặc biệt để nhìn từ trong cũng như từ ngoài đều đẹp và giống nhau. Vẽ trên kính làm sao phối màu phần tối và phần sáng tách biệt chứ không được chỗ này trắng quá, muốn cho tối đi lại quét thêm, tối quá lại cho sáng lên. Vẽ đến đâu được đến đấy, không được chỉnh sửa nên chỉ một chấm màu khác ý một cái là phải lau rửa toàn bộ mà vẽ lại.

“Để hoàn thiện 1 bức tranh chừng hơn 1m2, công đồ họa, vẽ mất 1 tuần, điêu khắc mất 3 - 4 ngày. Khi hoàn chỉnh xong về màu mới chuyển vào lò nung. Độ bền của tranh nhờ hai yếu tố, kính được cường lực và màu là sự kết hợp của thủy tinh và men gốm”, ông Vinh cho biết.

Màu tranh qua 700 độ C đã được thủy tinh hóa, bám chặt không bao giờ bạc. Những đồ gốm Chu Đậu nằm dưới biển mấy trăm năm vớt lên vẫn đẹp nên những tranh kính của tôi dám bảo hành 500 năm nhưng cũng không thể sống được lâu như thế”, ông Vinh cho biết thêm.

Để tìm ra công nghệ này, ông Vinh không ít lần trắng tay do thử nghiệm lò chịu nhiệt tự mày mò chưa đáp ứng được kỹ thuật. Sau nhiều lần làm các sản phẩm từ kính, năm 2013, anh thử nghiệm điêu khắc tranh trên kính rồi phủ màu đưa vào lò nung. Thất bại cũng nhiều nhưng cuối cùng cũng tạo ra thứ tranh có độ bền gần như vĩnh cửu. Sau đó, anh tập trung nghiên cứu các màu men rồi tập vẽ truyền thần, phong cảnh tại xưởng ở thị xã Sơn Tây. Sản phẩm của anh được các nhà thờ biết đến bởi giá rẻ và chất lượng.

Khác với tranh ghép từ các mảnh kính nhỏ của nước ngoài, tranh của anh Vinh là kính liền mảnh, khổ lớn. Nếu tranh Tây giá khoảng 3.000 USD/m2 (tương đương cỡ 70 triệu đồng) thì tranh ta chỉ 300 USD/m2 (tương đương cỡ 7 triệu đồng). Hơn thế nữa nó còn có độ bền gần như là vĩnh cửu. Bởi tính độc đáo nên sản phẩm đã được công nhận OCOP của Sơn Tây.

Chú thích ảnhÔng Vinh giới thiệu về công nghệ làm điêu khắc tranh kính.

Tiếng lành đồn xa, các nhà thờ khác liên tiếp tìm đến, đặt hàng. Cho đến nay anh đã hoàn thiện tranh cho khoảng 50 nhà thờ, trong đó có những công trình tổng diện tích lên tới trên 300m2, giá trị cả tỉ đồng. Hiện anh không chỉ nhận đơn đặt hàng từ nhà thờ mà cho các chùa và tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo bán trên thị trường.

TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhận xét: Ông Vinh là người đầu tiên thổi hồn văn hóa dân tộc và vào chất liệu kính để có tác phẩm nghệ thuật để có sự kết hợp công nghệ của phương tây và văn hóa dân gian Việt Nam. Để có thể đi đứng vững trên thị trường, ông Vinh cần có những sáng tạo những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng.

 

Nguồn bài viết