Mâm tết nhà tôi với bánh chưng là biểu tượng của trái đất, của sự hài hòa thiên nhiên đất trời - Ảnh: QUYÊN GAVOYE
Nơi tôi ở, "tết" là một từ gây tò mò. Người ta thường hỏi tôi có phải sắp đến "tết Trung Quốc" không? Với rất nhiều người dân Pháp, đó không phải là câu hỏi cố tình động chạm sắc tộc. Họ nghĩ tết là của riêng Trung Quốc vì một lý do đơn giản là cộng đồng Trung Quốc ở đây rất đông. Mỗi năm đến dịp năm mới, người ta thường tập trung tại các thành phố lớn, xuống đường và tổ chức lễ hội. Trong khi cộng đồng người Việt thường tổ chức kín đáo hơn dù không kém phần đầm ấm.
Sau rất nhiều năm những người bạn Pháp hỏi tôi câu hỏi ấy, tôi đã chợt nghĩ, thay vì cứ mỗi năm giải thích một lần, tại sao tôi không tổ chức một lần ăn tết và mời họ đến cho họ thưởng thức hương vị tết Việt Nam để tự họ sẽ có câu trả lời cho những câu hỏi thường niên ấy.
Thật may, tết năm ngoái rơi đúng vào ngày cuối tuần, rất tiện để tổ chức ăn uống và mời bạn bè. Chiều thứ sáu, hai chín tết, tôi xuống chợ Việt mua đồ. Chợ Việt ở đây là hai cửa hàng siêu thị nhỏ của người châu Á, vậy mà cái gì cũng có, từ cành đào, hương vòng, mứt tết đến mắm tôm, mắm tép... cái gì thị trường Việt Nam có thì ở đây cũng có. Cái duy nhất chúng tôi thiếu đó là "hồn tết" - sự hồ hởi, nhộn nhịp và háo hức trong tâm thức của mỗi người.
Cách tết vài hôm, một trong hai siêu thị bị hỏa hoạn phải đóng cửa. Người Trung Quốc, Việt Nam, Singapore đổ về mua ở cửa hàng còn lại thành ra cái gì cũng thiếu. Khi tôi đến, cửa hàng đã hết lá dong, chỉ còn rất ít lá chuối đông lạnh. Với người Việt Nam, việc không có lá dong để gói bánh chưng giống như người Pháp làm xúc xích không có màng ruột già. Nhưng trong hoàn cảnh lúc này, lá chuối là sự lựa chọn duy nhất. Bất chợt tôi nhớ đến lời mẹ dặn ngày tôi rời quê: "Trong cuộc sống, cái gì cũng có thể thay thế được, trừ khi đó là cuộc đời của con". Phải rồi, mọi thứ đều có thể thay thế khi ta không có sự lựa chọn thứ hai.
Những tàu lá chuối vốn to gấp nhiều lần tàu lá dong nhưng lại rất mong manh dễ rách, chỉ một hành động hơi mạnh tay sẽ khiến chiếc lá rách đường gân và không thể sử dụng được. Những chiếc lá chuối đông lạnh lại càng dễ rách do chúng dính chặt vào nhau vì bị ép lâu ngày ở nhiệt độ thấp, bù lại chúng ẩm ướt, rất dễ lau. Những chiếc lá lần lượt được lau sạch, trải ra mặt bàn lớn, tôi bắt đầu ước lượng kích thước của chiếc bánh để cắt lá. Ở quê, cha mẹ tôi có truyền thống gói bánh chưng vuông. Chiếc bánh hình vuông đã trở thành biểu tượng của văn hóa tết ở trong tôi. Thật khó để gói nó trong một dạng hình khác.
Cùng đồng hương đón tết - Ảnh: QUYÊN GAVOYE
Khác với lá dong, chỉ cần gấp theo chiều dọc chiếc lá và đặt vào khuôn, chiếc lá chuối đông lạnh mềm oặt như mảnh vải vụn không theo bất cứ một đường gấp nào khiến việc gói bánh trở lên khó khăn. Tôi lại nhớ về cha, người đàn ông luôn kiên nhẫn trong những công việc cần sự tỉ mẩn. Có lần cha bảo tôi "khi vật liệu không nghe theo bàn tay của ta, thì bàn tay sẽ nghe theo vật liệu để làm ra sản phẩm". Đó là lần mẹ tôi thèm ăn cá kho quả sung mà không có sung. Cha liền lấy chuối kho thay sung và thêm vào ít lá chè tươi cho có vị chát. Món cá đó sau này đã trở thành món ăn quen thuộc của gia đình tôi.
Những chiếc lá mềm oặt không làm tôi từ bỏ ý định gói bánh chưng vuông. Sau một hồi suy nghĩ, tôi lấy bìa các tông dựng thành khuôn bánh, những chiếc lá chuối âm ẩm bám vào bìa giấy giữ được khuôn bánh. Xong lớp khuôn, tôi chỉ việc cho gạo, đỗ, thịt, hành hoa, thảo quả, và gói lại.
Đó là những chiếc bánh chưng vuông đầu tiên của tôi không gói bằng lá dong. Nhìn chúng, tôi thấy nao nao, phấn khích. Nhưng chiếc bánh vẫn chưa thực sự hoàn thành. Chừng nào chiếc bánh chưa được vớt ra, chừng đó tôi vẫn chưa thể chắc chắn bánh đã thành phẩm. Sau bốn tiếng luộc bằng nồi áp suất, những chiếc bánh cũng được vớt ra. Thật tuyệt vời! Chúng vẫn vuông vức như khi tôi bỏ vào, lớp lá chuối ôm gọn chiếc bánh không hề bị rách.
Năm đó, các bạn Pháp đến nhà trầm trồ ngạc nhiên khi nhìn tôi thắt bánh bằng dây lạt trong khi giải thích ý nghĩa của chiếc bánh. Từ thời Hùng Vương, bánh chưng là biểu tượng của trái đất, của sự hài hòa thiên nhiên đất trời, vì vậy nên tôi nhất định phải gói nó trong hình vuông.
Năm nay, đại dịch COVID không cho phép chúng tôi tụ tập đông người và tôi cũng không thể trở về bên mẹ. Dẫu thế tôi vẫn sẽ gói bánh chưng, nếu không có lá dong tôi sẽ lại gói bằng lá chuối và tổ chức ăn tết cùng gia đình bé nhỏ.
Và dẫu không thể về, chúng tôi cũng không còn cảm giác xa cách như trước nữa. Những cuộc gọi video, những tình cảm mà cha mẹ dành cho chúng tôi không còn bị giới hạn đường biên chia cắt nữa. Bữa cơm giao thừa của gia đình chúng tôi dù không hoàn toàn là đông đủ, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự đầm ấm. Tôi lại có thể khoe mẹ những chiếc bánh chưng tôi làm dù chưa thật vuông thành sắc cạnh như của mẹ. Có hề gì, chỉ cần hương vị tết không nhạt phai trong tiềm thức của tôi.
Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".
Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ [email protected] từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).
Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.
Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.