Món khổ qua hầm của má cũng giống như mọi người làm nhưng không hiểu ngon vô cùng - Ảnh: QUÂN NAM
Gia đình tôi có một thông lệ đã mấy chục năm qua. Trưa ba mươi Tết, sau khi cúng ông bà, chẳng những cả đại gia đình tôi cùng nhau sum vầy ăn uống mà anh em chúng tôi còn mời vài người bạn thân đến chung vui bữa tiệc tất niên. Bởi thế, bữa tiệc ngày 30 Tết ở nhà tôi vui vô cùng và nó kéo dài đến chiều.
Trong bữa ăn ngày cuối năm này, không biết bao nhiêu món ngon vật lạ do má nấu, do anh chị em, con cháu đem về. Món này nhiều người thích, món kia ít người thích. Thế nhưng có một món mà ai cũng ăn và ai cũng ngợi khen tấm tắc, đó là món khổ qua hầm của má. Tôi cũng thấy lạ nhưng chưa bao giờ hỏi má.
Suốt cả năm, nếu món ăn có khổ qua thì là khổ qua chiên trứng vịt, khổ qua luộc chấm mắm nêm, chấm cá kho chứ chưa bao giờ má làm khổ qua hầm. Chỉ có bữa ăn trưa 30 Tết, má mới làm khổ qua hầm.
Trái khổ qua mua về, má rửa sạch rồi móc ruột khổ qua bỏ hột. Má lại rửa qua nước muối, để ráo nước. Thịt ba rọi được má băm nhuyễn với hành tím, hành tây.
Nấm mèo thì má đem ngâm nước âm ấm cho nó nở ra rồi rửa sạch, cắt thành sợi nhỏ. Má trộn các thứ lại, nêm chút nước mắm, đường, tiêu, bột ngọt vào. Sau đó, má dùng muỗng nhét thịt vừa trộn vào trái khổ qua.
Má dùng dây lạt, loại dây dùng để gói bánh tét cột giữa trái khổ qua để khi hầm thịt không bị rơi ra ngoài. Má nấu nước thật sôi rồi mới bỏ khổ qua vào. Khi nước sôi trở lại, má giảm lửa, để ngọn lửa riu riu mấy tiếng đồng hồ.
Trước khi tắt bếp, má nêm nếm lại một lần nữa rồi cắt hành lá từng khúc độ 5 phân bỏ vào nồi khổ qua hầm. Món khổ qua hầm của má cũng giống như mọi người làm nhưng không hiểu ngon vô cùng.
Đặc biệt là khi ăn, má bảo mọi người phải ăn hết cả trái khổ qua thì cái khổ của năm cũ mới qua hết. Nghe thế, những người bạn tôi ai cũng cười và nói: "Bác không nói, tụi con cũng ăn hết cả trái vì ngon quá.".
Khổ qua có tính giải độc, mát gan nên ai cũng ăn. Phụ nữ thì ăn cho mát vì sợ Tết ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt sẽ bị mụn. Cánh đàn ông uống rượu lại càng ăn nhiều khồ qua vì cho rằng nó giải độc rượu.
Năm nào, má cũng hầm ba, bốn ký khổ qua. Bởi ai cũng ăn và khi ăn xong, các anh, các chị lại xin đem về nhà riêng của mình. Nồi khổ qua hầm "khổng lồ" như thế, vậy mà sau bữa tiệc là hết sạch. Giờ má không còn. Ba mươi tết, tôi là người hầm khổ qua. Tôi vừa làm vừa nhớ đến má. Đến lúc ăn, ai ăn khổ qua hầm cũng nhắc má.
Tết năm mà heo bị dịch bệnh nặng nề, ai cũng sợ ăn phải thịt heo bị dịch bệnh. Tôi đã có "sáng kiến đột ngột", tôi dùng thịt gà băm nhuyễn rồi trộn với cá thác lác và các nguyên liệu y như má đã làm. Ai ăn cũng bảo ngon, lạ miệng và không ai nhận ra loại thịt gì. Nồi khổ qua tôi hầm cũng hết sạch như má nấu ngày nào.
Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".
Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ [email protected] từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).
Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.
Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.