Lĩnh vực dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản xảy ra nhiều vụ tại nạn lao động chết người

2 năm trước 209
Chú thích ảnhKhai thác khoáng sản tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại nạn lao động.

Theo bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021, trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, giảm 1.876 vụ so với năm 2020) làm 6.658 người bị nạn.

Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 749 vụ, giảm 170 vụ tương ứng 18,5% so với năm 2020. 786 người chết vì tai nạn lao động. Số người bị thương nặng là 1.485 người. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021 là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.

Các vụ tai nạn lao động có số người chết phân theo lĩnh vực nghề nghề, dệt may, da giày chiếm 14,16% tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) và 13,68% tổng số người chết; Lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 13,27% tổng số vụ TNLĐ và 12,82% tổng số người chết; Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,61% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết; Lĩnh vực xây dựng chiếm 9,73% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết...

Năm 2021, bảo hiểm giải quyết mới cho 8.648 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động. Tổng chi trả trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hỗ trợ dưỡng sức giám định thương tật, phường ngừa rủi ro, mua Bảo hiểm y tế trong năm trên 1.005 tỉ đồng.

Theo Cục An toàn lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn những tồn tại, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Về bệnh nghề nghiệp, năm 2021 khám, phát hiện 255 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoản 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2021 còn quá ít 26 người.

Nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, năm 2022, Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động (1-31/5) được chính thức phát động vào ngày 28.4 cùng với Tháng Công nhân và cũng là Ngày Thế giới vì an toàn và sức khoẻ tại nơi làm việc.

Chủ đề tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Trong Tháng hành động, sẽ diễn ra các hoạt động như đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động, thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra, tự kiểm tra tại doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động.

Nguồn bài viết