Các ý kiến đề xuất cần tháo gỡ về rào cản pháp lý trong thực hiện tự chủ bệnh viện - Ảnh: VGP
Chiều 14-11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn".
Thông tin về việc tự chủ của bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện - cho hay bệnh viện thực hiện tự chủ trong điều kiện hết sức khó khăn do vướng vào dịch bệnh.
Mặc dù bệnh viện đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên trong suốt 15 năm qua, nhưng với các thiết bị y tế thực hiện theo hình thức xã hội hóa thông qua liên doanh liên kết thì gặp nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của hoạt động tự chủ toàn diện.
Ông Cơ cho rằng cơ chế ký kết hợp đồng liên doanh liên kết lỏng lẻo, văn bản pháp quy có bất cập nên không có nhà đầu tư nào dám tham gia vào. Trong khi đó, bệnh viện không có ngân sách để mua thiết bị, chi thường xuyên, chi lương và thưởng đều không đủ.
Đặt câu hỏi tại sao bệnh viện chưa thể tự chủ hoàn toàn, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng thể chế chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện cũng có vấn đề trong khi cơ chế giá còn bất cập.
Dẫn tới, chưa có cơ sở y tế nào cả tuyến trung ương, địa phương có đủ năng lực để tự chủ. "Nếu tự chủ mà không có đầu tư, không có chuẩn bị, chuyển giao khoa học công nghệ… thì rất khó", ông Lợi nói.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, cho biết chủ trương tự chủ là cần thiết, song vấn đề là tự chủ ở mức nào. Bởi hiện nay quy định pháp quy chưa đầy đủ, dẫn tới dễ bị sai phạm. Việc tự chủ quá mức có thể dẫn tới "tư nhân hóa", nên ông cho rằng không nên thực hiện tự chủ ở mức cao nhất.
Với trường hợp của Bệnh viện Bạch Mai, các văn bản pháp quy tháo gỡ chưa có, bác sĩ bị vướng vào vòng lao lý… nên ông bày tỏ không ủng hộ bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện, mà chỉ tự chủ ở mức nhất định.
"Cần cập nhật về giá, bảo hiểm y tế, đầu tư, liên doanh liên kết trong thiết bị máy móc, cập nhật và sửa đổi quy định, tháo gỡ ngay quy định liên quan đến tài sản, máy móc nhân lực để 'hà hơi thổi ngạt' tạo thuận lợi cho bệnh viện làm việc", ông Trí đề nghị.
TS Nguyễn Huy Quang, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng hệ thống y tế của ta là hỗn hợp công tư, nên dù tự chủ ở hình thức nào thì Nhà nước phải đảm bảo ngân sách trong chi đầu tư, nắm vai trò chủ đạo.
Đồng thời, tháo gỡ về văn bản quy phạm pháp luật, thể chế trong thực hiện tự chủ để bệnh viện thực hiện tốt vai trò đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi người dân.