Linh 'đồng nát'

3 năm trước 1128
Linh đồng nát - Ảnh 1.

Trong căn nhà nhỏ tràn ngập sống xanh, túi vải, trồng cây xanh, phân loại rác thải tại nguồn - Ảnh HÀ THANH

"Trong thần thoại Hi Lạp, Gaea (hay đọc là Gaia) là tên nữ thần Đất mẹ, gợi đến sự sinh sôi nảy nở, sự bao bọc của đất mẹ. Công việc của chúng mình hiện tại là may thành các sản phẩm tái chế, góp phần nhỏ trong việc hạn chế rác thải nhựa, giảm áp lực về rác thải ra đại dương.

ĐỖ DIỆU LINH

"Nhìn thấy tấm bạt thì không nghĩ đó là rác nữa mà là tài nguyên, sẽ tái chế đến lúc không còn bạt hiflex thải ra môi trường nữa" - chị Đỗ Diệu Linh, 35 tuổi, chủ cơ sở sản xuất đồ vải kết hợp bạt hiflex mang thương hiệu Gaea (Hà Nội) mỉm cười chia sẻ.

Biến thứ vứt đi thành thứ hữu dụng

Trong không gian vỏn vẹn 40m2 tràn ngập "sống xanh", đôi bàn tay của người phụ nữ tỉ mẩn chăm chút từng cây cỏ xanh mướt, khéo léo tái chế đồ đạc cũ, đồ đạc bỏ đi. 

Nhiều năm nay chị Linh cũng thực hiện phân loại rác tại nhà với hai thùng rác: một thùng đựng rác hữu cơ, một thùng đựng túi nilông. Để hạn chế túi nilông, đi đâu chị cũng mang theo túi bạt, túi vải, bình đựng cá nhân. 

"Mỗi ngày đi chợ, mình nhìn thấy các bà các mẹ cầm từ 5-10 túi nilông/ngày, nhân lên mỗi năm có thể bớt được chừng 2.000 túi nilông nếu dùng túi vải, túi bạt thay thế", chị Linh nhẩm tính.

Thấy chị Linh vốn "quen tay hay làm" làm ra những địu vải mềm mại cho trẻ em, năm 2019 một vài người bạn đề nghị chị thử may những chiếc túi đi chợ cho chị em phụ nữ. Chị Linh trăn trở, làm sao tận dụng được vải thừa trong quá trình sản xuất đồ vải, kết hợp vật liệu chống nước mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ của chiếc túi, tạo cảm hứng cho người sử dụng?

Ban đầu chị liên hệ đến các nhà in xin thu gom vì "kiểu gì họ cũng có sản phẩm bạt hiflex in lỗi, in hỏng". Nhưng bạt in lỗi, in hỏng thì chất lượng không tốt, chị nghĩ ngay đến các đơn vị tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm xin thu gom panô, áp phích sau mỗi sự kiện. 

Nay thì những đơn vị này chẳng khác gì đối tác thân thiết, sẽ gọi ngay đến "đường dây nóng" của chị Linh khi có những tấm bạt hiflex.

Người ta bỏ bạt hiflex ngay khi sử dụng xong, còn chị nhìn ra ưu điểm của "rác bạt" như có khả năng chống nước, kết hợp với vải thông thường sẽ tạo dáng cho sản phẩm cứng cáp hơn hẳn. Với những tấm panô, áp phích khi treo ngoài đường bị bụi bẩn bám vào, thu gom về chị cọ rửa sạch sẽ và phơi khô, sau đó khéo léo thiết kế, sáng tạo thành những chiếc túi xinh xắn.

"Mình muốn kể lại một câu chuyện: một lần đi trên đường mình nhìn thấy chiếc ôtô đi từ chặng nọ sang chặng kia, dỡ panô xong vứt tại chỗ. Một cách rất bản năng, mình cứ đi theo họ, vứt đến đâu mình thu đến đấy. Thường thì họ không lấy xuống một cách cẩn thận mà giật, giật thì rách nhưng mình vẫn nhặt về, sau đó may trong vòng 15 phút là có một chiếc túi luôn. Cảm giác mình chuyển hóa thứ bỏ đi thành thứ dùng được không biết diễn tả như thế nào, nhưng là động lực để mình cố gắng nhìn thấy bạt ở đâu là thu gom đến đấy. Đôi khi nhìn thấy bạt rác thì không nghĩ đó là rác nữa, mà giống như nhìn thấy một tài nguyên", chị Linh chia sẻ.

Chiến dịch bán 1.000 chiếc túi

"Trong quá trình theo đuổi việc "không mang túi nilông về nhà", mình thấy khá hiệu quả nên cũng muốn lan tỏa điều đó ra cộng đồng. Để giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn, mình sản xuất khoảng 1.000 chiếc túi bán với giá thấp", chị Linh chia sẻ về những chiếc túi đầu tiên được bán ra.

Sản phẩm đầu tiên Gaea làm ra là túi đi chợ thuần bạt. Về sau chị nghĩ, nếu chỉ với chiếc túi đơn điệu này thì khó có thể thu hút khách hàng, do đó chị quyết định đa dạng hóa sản phẩm từ việc lắng nghe phản hồi của người xung quanh. 

"Từ những lời đề nghị rất dễ thương, mình nghiên cứu, tìm kiếm mẫu phù hợp, sử dụng lớp bên trong là bạt hiflex và bên ngoài là vải bỏ đi sau quá trình may mặc. Khi may sản phẩm lớn vẫn dư ra những mảnh vải nhỏ, mình nghĩ thêm làm các sản phẩm nhỏ hơn như: túi đựng giấy tờ xe, hộ chiếu, nhỏ hơn nữa là túi đựng tai nghe, tấm lót cốc nước... Làm sao cho quá trình sản xuất lượng vải dư, bạt thải ra môi trường sẽ hạn chế tối thiểu", chị Linh quả quyết.

Ước tính sau hơn một năm ra đời, thương hiệu Gaea tái chế hơn 10.000m2 bạt hiflex, sản xuất hơn 5.000 sản phẩm các loại và đem ra thị trường. Cơ sở sản xuất đặt ở Thái Bình, tạo công ăn việc làm cho các thợ may là phụ nữ nông thôn. 

Hiện nay Gaea cho ra đời hơn 20 sản phẩm khác nhau từ bạt hiflex như sản phẩm túi đi chợ thuần bạt, túi bọc vải, hay các sản phẩm túi thời trang bắt kịp thị hiếu giới trẻ. Các sản phẩm được chuyển về Hà Nội bày bán tại một số chuỗi cửa hàng xanh.

Hơn một năm khởi nghiệp từ bạt hiflex, chị Linh thừa nhận có những khó khăn như đợt dịch COVID-19 không có sự kiện, do vậy có đơn hàng nhưng không có vật liệu để sản xuất. 

"Nhưng điều này lại thực sự may mắn vì họ không sử dụng bạt nữa, nhờ vậy lượng bạt thải ra môi trường không nhiều nữa, lúc này mình chuyển hướng tìm kiếm các đối tác khác quan tâm đến môi trường", chị Linh cho biết.

Sắp tới chị tiếp tục liên hệ đến các công ty lớn và các đơn vị sản xuất bánh trung thu, cũng bởi dịp này các tuyến phố mọc lên nhiều quầy di động bán bánh trung thu. Chị dự tính đến thuyết phục họ giữ lại bạt và sẽ qua thu gom giúp họ. "Mình sẽ làm đến khi không còn bạt nữa thì thôi", chị Đỗ Diệu Linh quả quyết.

Mỗi người giảm một chiếc ly nhựa

Chị Đỗ Diệu Linh giãi bày, công việc hiện tại chỉ là gia tăng vòng đời cho những tấm bạt hiflex, ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác về môi trường đang nhức nhối như ly nhựa một lần, hộp dùng một lần, ly trà sữa, cà phê nhanh. Nhóm "sống xanh" chỉ là nhóm nhỏ, trong khi nhóm vô tư hồn nhiên sử dụng đồ nhựa rất đông, chẳng khác gì như "muối bỏ bể".

"Mình mong muốn các bạn trẻ chỉ cần cố gắng hơn một chút, vẫn có thể uống cà phê, trà sữa, trái cây nhưng thay vì đi đâu cũng lấy cốc nhựa thì có thể mang theo bình cá nhân, sẽ hạn chế rất nhiều. Mỗi người giảm một chiếc thôi đã giảm rất nhiều rác thải nhựa ra môi trường", chị Linh bộc bạch.

Biến cây đổ vì bão thành quà tặng bạn bèBiến cây đổ vì bão thành quà tặng bạn bè

TTO - Ý tưởng vào rừng nhặt những thân cây đổ vì bão để làm gậy bóng chày tặng bạn của Tommy Rhomberg (12 tuổi) được gia đình cậu ủng hộ và cổ vũ nhiệt tình.

Nguồn bài viết