Khởi động dự án cao tốc để rút ngắn thời gian lên Đà Lạt

3 năm trước 293

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT là Phó Chủ tịch Hội đồng. Ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương như Giao thông vận tải (GTVT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND các tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai.

Mặc dù tuyến cao tốc này nằm trên địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai nhưng Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện. 

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66 km, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I đầu tư theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, triển khai từ 2021-2025 theo phương thức PPP.

Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn I khoảng 16.400 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương sẽ góp 4.500 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư được lựa chọn huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.

Trên cơ sở đề xuất Dự án của liên danh Cty CP Tập đoàn Đèo Cả - Cty CP Tập đoàn Hưng Thịnh - Cty CP Tập đoàn Nam Miền Trung, UBND tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, trình Bộ ngành chức năng xem xét thẩm định.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nằm trong tổng thể Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có chiều dài 200,3 km. Điểm đầu nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối nối với đường cao tốc Liên Khương – Prenn để lên Đà Lạt.

khởi động dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - ảnh 1  Sau khi hoàn thành, cao tốc này sẽ kết nối với cao tốc Liên Khương - Prenn để lên Đà Lạt

Sau khi tuyến cao tốc này hình thành, thời gian di chuyển từ TP.HCM lên Đà Lạt chỉ còn khoảng 3 tiếng đồng hồ, giảm một nửa so với di chuyển trên Quốc lộ 20 như hiện nay.

Hiện lưu lượng vận chuyển người và hàng hóa trên Quốc lộ 20, tuyến giao thông chính nối Lâm Đồng với các tỉnh phía Nam tăng cao khiến vận tải đường bộ khá căng thẳng, tạo ra áp lực lớn.

khởi động dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - ảnh 2Thường xuyên xảy ra tai nạn, kẹt xe trên Quốc lộ 20

Việc Thủ tướng chỉ đạo đưa cao tốc trên vào dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển kinh tế cho hai tỉnh.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương còn là động lực, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch các địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ…

Nguồn bài viết