Cơ duyên…
Có một cựu chiến binh luôn đau đáu hoài niệm về linh vật súng thần công của Việt Nam đã lặng lẽ nghiên cứu và bỏ bao công sức, tiền của tạo dựng lại hình ảnh khẩu súng thần công của Việt Nam trong lịch sử, rồi thổi hồn vào từng khẩu súng thần công do anh thiết kế trong suốt 10 năm. Anh là Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong, nguyên là Xưởng trưởng cơ khí Viện Kỹ thuật Quân chủng Phòng không Không quân.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong bộc bạch, mọi chuyện bắt đầu từ dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Khi đó, anh là một trong những tác giả của tác phẩm nghệ thuật “Rồng bay” chế tác bằng khung tre dài 40m bay lượn trên bầu trời Hà Nội. Bắt tay chúc mừng anh, cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn đã nói với sự chân thành: “Hẹn gặp nhau ở 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhé!”.
Lời hẹn ấy làm anh Phong trăn trở về món quà dâng Đại lễ. Nghiên cứu lịch sử, anh thấy một trong những “ông tổ” của súng thần công là người Việt Nam. Đó là ông Hồ Nguyên Trừng, con trai cả của Hồ Quý Ly, một nhà cải cách, quân sự tài ba. Khi tập trung khảo cứu về loại binh khí này, anh nhận ra rằng, nhiều dân tộc trên thế giới đều coi trọng và tôn thờ súng thần công như một linh vật quốc gia. Ở một khía cạnh khác, súng thần công không chỉ là dùng trong chiến đấu, chiến tranh mà còn gắn liền với mỗi dịp có các sự kiện trọng đại. Từ ý nghĩa đó, anh nảy ra ý tưởng tái hiện súng thần công của cha ông mừng Đại lễ.
Gần 10 năm ấp ủ và sản xuất, Đại tá Nguyễn Hồng Phong và cộng sự đã tìm tòi, thử nghiệm, mày mò từ tạo phôi sản phẩm đến cơ khí, đặc biệt công phu ở khâu chạm khắc các họa tiết, chi tiết, hoa văn với yêu cầu là thể hiện đúng tinh thần và lịch sử Việt, hình ảnh không được nhòe, vỡ. Sau nhiều tháng miệt mài làm việc, khẩu súng đầu tiên nặng 3,5kg đã ra đời. Điều dễ nhận thấy là tác phẩm với trọng lượng không lớn, nhưng đã chuyển tải được nhiều thông điệp, là tổng hòa của các yếu tố văn hóa và lịch sử của dân tộc Việt.
Phần bệ đỡ là khối cách điệu cuốn sách đang mở ra, có chạm khắc các họa tiết tường thành cổ với ý nghĩa có sách sẽ có tri thức, có tâm và có tầm. Bánh súng được ví như bánh xe lịch sử, trên bề mặt chạm khắc các họa tiết mặt trống đồng, tia nắng mặt trời và đàn chim Lạc như nhắc nhở mọi người nhớ về thời kỳ đầu dựng nước của tổ tiên, mang hàm ý mỗi con dân đất Việt đều là “con Rồng cháu Tiên”. Càng súng là hình ảnh của hai con rồng cuộn lên, tái hiện lại giấc mơ của vua Lý Thái Tổ báo hiệu một trang sử mới của kinh đô rồng bay.
Đặc biệt, hình thân súng gồm hai phần: Phần đuôi dưới là cách điệu ngọn lửa châm ngòi cho một sự nghiệp khởi đầu trọng đại lịch sử dân tộc Việt Nam. Phần thân dưới là toàn bộ văn bản “Chiếu dời đô” của đức vua Lý Thái Tổ. Phần thân giữa được chạm khắc Khuê Văn Các, biểu tượng của Thăng Long - Hà Nội. Điều lý thú nữa là nếu nhìn từ trên xuống “Thần súng” như hình Rùa Vàng, gợi nhớ sự tích hồ Hoàn Kiếm thời vua Lê Thái Tổ và thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành…
Khi được chiêm ngưỡng sản phẩm độc đáo này, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp từ sự chế tác, tạo dáng, sự tinh xảo của công nghệ mà quan trọng ở đó phản ánh văn hóa, lịch sử của dân tộc. Đó là sản phẩm mỹ nghệ nhưng chứa đựng nhiều giá trị phi vật thể thiêng liêng.
Một tấm lòng trân quý
Sản phẩm của Đại tá Nguyễn Hồng Phong đã được Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền và quyền sở hữu số 1663/2009/QTG; Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 15380.
Đến nay, tác giả đã hoàn thành hơn 1.000 khẩu súng gồm nhiều kích cỡ. Khoảng 300 khẩu đã được tặng và bán. Anh tranh thủ thời gian, huy động đồng chí, đồng đội, tổ chức công việc sản xuất phù hợp, để vừa hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, vừa góp phần nâng cao đời sống của anh em. Lúc cao điểm, anh có tới hơn chục người làm, mỗi tháng làm ra hàng trăm khẩu súng các loại. Toàn bộ kinh phí hàng tỷ đồng để làm là do anh huy động từ gia đình, anh em, bạn bè.
“Tôi làm tác phẩm này bằng tất cả tấm lòng của tôi nhớ về công đức tổ tiên và truyền thống văn hiến của dân tộc và Thăng Long - Hà Nội. Cơ quan hoặc cá nhân nào có nhu cầu thì tôi chuyển giao, chuyển nhượng” - anh Phong tâm sự.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hồng Phong còn tiết lộ về mong muốn được đúc hai khẩu thần công nặng 35 tấn đặt trước Cửa Bắc. Theo anh, ở vị trí này “Thần công trấn Bắc” có ý nghĩa về nhiều mặt. Nó vừa tôn vinh và tuyên truyền về các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, vừa nói lên khát vọng hòa bình nhưng cũng nhắc nhở về ý thức bảo vệ Tổ quốc, đồng thời còn mang ý nghĩa trong đời sống tâm linh người dân Việt. “Nếu được các cơ quan chức năng đồng ý cho thực hiện ý tưởng, tôi sẽ làm mô hình bằng Compozit để trưng cầu ý kiến dư luận, sau đó sẽ mời các nghệ nhân tham gia làm” - anh Phong cho biết.
Trong những ngày đầu xuân Tân Sửu này, tìm gặp nhà sáng chế Nguyễn Hồng Phong trong xưởng chế tác của anh ở một ngõ nhỏ, phố nhỏ trong lòng Hà Nội – Thủ đô của ngàn năm văn hiến “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”, giữa bộn bề với các mẫu sản phẩm của khẩu súng thần công, giữa cái lạnh giá cuối đông, chúng tôi như thấy ấm lại trước một con người với những tâm nguyện giữ gìn một linh vật của lịch sử, bản lĩnh Việt Nam, của lòng tự tôn dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ trọn vẹn đất nước.
Cho đến hôm nay, khi những vũ khí tối tân hiện đại đã tăng thêm nội lực quân sự nhưng khẩu súng thần công vẫn định vị trong tâm thức của người Việt Nam về một sức mạnh dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Hơn 10 mùa xuân đã qua, Đại tá Nguyễn Hồng Phong vẫn tiếp tục tích tụ niềm tự hào của dân tộc với mong muốn đưa linh vật súng thần công của lịch sử hôm qua sẽ sừng sững trong niềm tự hào của mỗi người dân nước Việt khi lật giở những trang vàng lịch sử của hôm qua, hôm nay và ngày mai của một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.