Hợp đồng theo tour có được xác định là hợp đồng lao động không?

2 năm trước 500
Chú thích ảnhHướng dẫn viên giới thiệu điểm du lịch Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN.

Do đặc điểm của nghề HDV du lịch, trong số hơn 26.000 hướng dẫn viên được Tổng cục Du lịch cấp thẻ có tới 90% là hướng dẫn viên tự do đi hướng dẫn cho nhiều doanh nghiệp du lịch khác nhau. Với đặc thù của HDV tự do, khi đi hướng dẫn, HDV chỉ có hợp đồng theo tour theo khung thời gian chương trình tour công ty lữ hành với du khách. Thông thường các tour này có thời hạn dưới 30 ngày.

Chính vì đặc điểm này, khi có thông tin về gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và hướng dẫn tại Quyết định 23, trên các diễn đàn du lịch, nhiều hướng dẫn viên tranh luận hợp đồng theo tour có được coi là hợp đồng lao động hay không để làm hồ sơ theo quy định. Hai luồng ý kiến cho rằng: Hợp đồng lao động hợp lệ liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội và hợp đồng theo tour dưới 30 ngày, lại không đóng bảo hiểm xã hội có được coi là hợp đồng lao động?.

Về vấn đề này, đại diện các Sở quản lý du lịch tại địa phương cũng đang chờ hướng dẫn từ Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết: Sẽ không có văn bản hướng dẫn bởi thuật ngữ “hợp đồng lao động” đã được quy định rõ tại Luật Du lịch và Quyết định 23. Còn thế nào là Hợp đồng lao động thì tuân theo quy định tại Luật Lao động.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết Hợp đồng lao động theo Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 không quy định thời gian tối thiểu mà chỉ quy định hợp đồng có thời hạn và không có thời hạn. Do đó, tên gọi là hợp đồng theo tour hay hợp động kinh tế chỉ được coi là hợp đồng lao động phải đọc nội dung quy định trong hợp đồng có các yếu tố của quy định hợp đồng lao động, áp dụng Điều 15. Cũng chưa thể đọc mỗi tên gọi của hợp đồng là hợp đồng theo tour, hợp đồng kinh tế, hợp đồng du lịch là có thể khẳng định được đó là hợp đồng lao động.

Về vấn đề này, luật sư Minh Ánh cho biết: Theo quy định của luật Lao động, khái niệm hợp đồng lao động theo Luật Lao động 2019 đã được mở rộng. Trường hợp hai bên thể hiện bằng tên gọi khác nhưng hợp đồng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì hợp đồng đó vẫn được coi là hợp đồng lao động, điều chỉnh theo quy định của Luật Lao động, cụ thể ở đây là Điều 15.

Khi nhận người lao động vào làm việc ngắn ngày theo các chương trình thì người sử dung lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. “Do vậy, nếu nội dung hợp đồng theo tour thể hiện các nội dung trên sẽ được coi là hợp đồng lao động. Hồ sơ liên quan đến yếu tố hợp đồng lao động phụ thuộc rất lớn vai trò thẩm định của Sở quản lý Du lịch địa phương”, luật sư Minh Ánh cho biết.

Liên quan đến yếu tố thời gian của hợp đồng lao động, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, tại Điều 33 Quyết định 23 cũng đã ghi rõ là cung cấp bản sao hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1/1/2020 đến thời điểm nộp hồ sơ. Hạn cuối cùng nộp hồ sơ là ngày 31/1/2022.

Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ cho mỗi HDV du lịch là 3,71 triệu đồng/người, Để được chi trả số tiền này, theo hướng dẫn, các HDV cần có đủ các điều kiện sau: Có thẻ HDV còn hạn sử dụng; Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên các Hiệp hội về hướng dẫn du lịch; có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch đối với HDV du lịch tại điểm.
HDV du lịch có nhu cầu hỗ trợ cần gửi hồ sơ đề nghị đến Sở quản lý Du lịch nơi cấp thẻ cho HDV. 

 

Nguồn bài viết