Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đã tổ chức 35 đoàn kiểm tra, giám sát

3 năm trước 522
Chú thích ảnhPhiên họp Hội đồng quản lý BHXH lần thứ III.

Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam vừa họp kỳ họp lần thứ III năm 2021. Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam chủ trì kỳ họp.

Các thành viên Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam cũng nhận định, những tác động của đại dịch COVID-19 là rất nặng nề, nguy cơ đứt gãy thị trường lao động đang hiện hữu, hàng triệu người lao động ở các tỉnh phía Nam đang trở về quê, rời bỏ thị trường lao động, chấm dứt tham gia BHXH, BHTN, BHYT; nhiều doanh nghiệp phá sản, tạm dừng hoạt động đang là một thách thức lớn trong thực hiện nhiệm an sinh xã hội của ngành BHXH Việt Nam. Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam cần có những đánh giá tổng thể, chi tiết về những tác động của đại dịch COVID-19 tới dự toán thu, chi, thực hiện nhiệm vụ của ngành để có những giải pháp, điều chỉnh cho phù hợp.

Về giải pháp, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH Việt Nam bám sát các định hướng, chỉ đạo của Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH để có các giải pháp kịp thời, đa dạng, linh hoạt, tiếp cận rộng rãi tới mọi tầng lớp người dân. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để các dịch vụ của ngành ngày càng gần gũi, tạo thuận lợi cho người tham gia thụ hưởng chính sách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.

Về công tác kiểm tra, giám sát, từ năm 2018 đến nay, các thành viên Hội đồng quản lý đã thực hiện 35 đoàn kiểm tra, giám sát về công tác BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương. Qua đó giúp chính quyền các địa phương nắm bắt, chủ động hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách này trên địa bàn. Qua hoạt động giám sát, Hội đồng quản lý đã kịp thời chỉ đạo Sở Y tế, BHXH các tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, chấn chỉnh, kiểm soát việc tăng đột biến chi phí khám chữa bệnh BHYT; chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN…

Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam được Chính phủ giao nhằm đảm bảo các chính sách BHXH, BHTN, BHYT được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật; đồng thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm, lạm dụng trong thực hiện các chính sách này để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, do đó cần được thực hiện thường xuyên, sát sao. Tuy nhiên, từ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động này được tổ chức rất ít. Vì vậy, tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng quản lý đã thảo luận, nghiên cứu để xây dựng kịch bản hoạt động giám sát phù hợp với tình hình hiện nay.

Trong 3 tháng cuối năm 2021, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xác định tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác BHXH, BHYT, BHTN tại BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương nhằm đôn đốc, hướng dẫn, đồng hành cùng toàn ngành BHXH Việt Nam vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được Chính phủ giao; đặc biệt là tăng cường công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong tình hình dịch bệnh, quyết tâm đạt được các chỉ tiêu về bao phủ, giúp nhiều người dân, người lao động được bảo vệ, thụ hưởng các chính sách an sinh một cách đầy đủ, toàn diện.

Về Đề án nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam, các thành viên Hội đồng cũng thống nhất cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để chuẩn bị cho việc đề nghị Chính phủ xây dựng một Nghị định quy định về hoạt động Hội đồng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, nội dung công tác.

Ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam nhấn mạnh: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hội đồng quản lý đã kịp thời chỉ đạo, tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 từ chính sách BHXH, BHTN. Cụ thể như Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 từ quỹ BHTN có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 với hơn 13 triệu người lao động và khoảng 386 nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ. Điều này có ý nghĩa lớn đối với người lao động và doanh nghiệp đúng thời điểm khó khăn, qua đó thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHXH, BHTN của Đảng và Nhà nước.

Thời gian tới, ông Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam yêu cầu, trong bối cảnh hiện nay, BHXH Việt Nam cần nghiên cứu đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong công tác truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là BHXH tự nguyện để ngày càng nhiều người lao động tự do, nông dân được tham gia BHXH để về già có lương hưu hàng tháng giúp ổn định cuộc sống.

Đặc biệt coi trọng công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để người lao động và Nhân dân tiếp cận chính sách BHXH, BHYT một cách nhanh nhất và thuận lợi nhất; đồng thời tạo điều kiện cho việc thu nộp, giải quyết các chế độ được nhanh chóng, an toàn và chính xác. Lĩnh vực đầu tư quỹ cần tiếp tục được cải thiện trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; nghiên cứu thí điểm hình thức đấu thầu tiền gửi tại 5 ngân hàng thương mại Nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ. Về bộ máy quản lý của Ngành cần tiếp tục kiện toàn, tinh gọn, nâng cao trình độ quản lý, năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn.

Nguồn bài viết