Huy động nguồn tài trợ là chương trình nghị sự quan trọng tại COP27

2 năm trước 132
Chú thích ảnhCảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu trong buổi ra mắt báo cáo “Quốc gia và xu hướng thích ứng với biến đổi khí hậu ở châu Phi 2022” được tổ chức theo hình thức trực tuyến, các quan chức châu lục này tuyên bố với việc đăng cai tổ chức Hội nghị khí hậu toàn cầu COP27, châu Phi sẽ có điều kiện thuận lợi để vận động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết cho thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB), Akinwumi Adesina, nói rằng COP27 là cơ hội để thu hẹp khoảng cách về huy động nguồn vốn nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Phi hướng tới một tương lai xanh và bền vững.

Ông Adesina khẳng định dù phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, song châu Phi nhận được khoản tài trợ khí hậu hằng năm khiêm tốn là 18 tỷ USD, chỉ bằng một phần nhỏ trong tổng số tiền hằng năm mà châu lục này cần là 128 tỷ USD để đối phó với tác động từ hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Chủ tịch AfDB tiết lộ rằng châu Phi cần 41 tỷ USD hằng năm để hỗ trợ thích ứng với khí hậu trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế bao gồm nông nghiệp, năng lượng, nước, y tế và lâm nghiệp.

Ông nhấn mạnh để thu hẹp khoảng cách tài trợ khí hậu tương đương 110 tỷ USD như trên, các nước châu Phi cần thúc đẩy các nguồn vốn bổ sung từ các bên cho vay đa phương và các nước giàu tại COP27. Ông đề xuất một phần của khoản tài chính này sẽ hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu và hệ thống lương thực có thể chống chịu được những cú sốc như hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng.

Báo cáo lưu ý rằng mặc dù lục địa châu Phi chỉ phát thải ít lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng châu lục này đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, đặt ra các mối đe dọa hiện hữu đối với hệ sinh thái và sinh kế của người dân.

Theo báo cáo, sự mong manh của hệ thống lương thực, nguồn nước, sức khỏe con người và nền kinh tế đã trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, cháy rừng, sóng nhiệt và lốc xoáy quét qua các khu vực rộng lớn ở châu Phi. Báo cáo nhận định “mức độ nghiêm trọng của những cú sốc khí hậu này có thể áp đảo cộng đồng, toàn bộ khu vực hoặc thậm chí các quốc gia nhỏ”.

Báo cáo được Trung tâm Toàn cầu về Thích ứng - một tổ chức vận động hành lang xanh quốc tế biên soạn. Ủy viên phụ trách kinh tế nông thôn và nông nghiệp tại Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC), bà Josefa Leonel Correia Sacko, nói rằng COP27 sẽ cung cấp một nền tảng để khám phá các công cụ tài chính sáng tạo có thể thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu ở châu Phi.

Bà Sacko nhấn mạnh việc huy động nguồn lực trong nước kết hợp với các quy định ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào công nghệ xanh có khả năng thúc đẩy tăng trưởng carbon thấp và khả năng phục hồi ở “lục địa đen”.

Liên quan đến công tác chuẩn bị COP27, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shokry và người đồng cấp Mỹ Anthony Blinken cùng ngày 3/11 đã có cuộc điện đàm thảo luận vấn đề này cùng các vấn đề khu vực.

Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nêu rõ sự quan tâm của Washington đối với việc tham gia Hội nghị COP27 và hợp tác với Ai Cập nhằm đảm bảo tổ chức thành công sự kiện, đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu liên quan đến hành động khí hậu. 

Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Shokry nhấn mạnh Ai Cập đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo sự tham gia tích cực COP27, bao gồm các đoàn đại biểu chính thức, đại diện của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự, cũng như các bên liên quan khác vào các phiên thảo luận sẽ diễn ra từ ngày 6-18/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh.

Nguồn bài viết