Hiện thực hóa ước mơ nước sạch của người dân nông thôn

1 tuần trước 10
Chú thích ảnhGia đình bà Trần Thị Bảy (ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ) sử dụng máy giặt sau khi được lắp hệ thống nước sạch. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Tại xã Tân Thới cách trung tâm thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền khoảng 10 km, chúng tôi đến với nhà bà Trần Thị Bảy ở ấp Tấn Nhơn vào một ngày cuối tháng 8/2024. Trong căn bếp nhỏ, bà Bảy đang tất bật với những công việc dọn rửa hàng ngày. Vặn vòi cho dòng nước trong veo chảy ra từ đường ống dẫn từ con đường phía trước nhà vào đến sau bếp, bà Bảy tâm sự từ khi có nước máy, gia đình bà không còn phải lo lắng về những rủi ro khi dùng nước sông.

“Trước đây chưa có nước sạch, tôi dùng nước sông, rất ô nhiễm, thuốc sâu, xác động vật... không được vệ sinh. Từ ngày có ngân hàng chính sách cho vay, tôi thấy rất phấn khởi vì được ưu đãi, lãi suất thấp, tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, sức khỏe ổn định”, bà Bảy chia sẻ.

Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Út ở ấp Tân Nhơn cũng đang dọn rửa chén, bát sau bữa ăn. Cách đây 4 năm, bà Út vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền để xây công trình vệ sinh và lắp đặt nước máy. Vốn tín dụng không chỉ giúp gia đình bà Út tiếp cận được nước sạch mà cuộc sống gia đình cũng tiện nghi hơn rất nhiều.

Trong căn nhà tường lát gạch men được xây dựng vào năm 2020, gia đình bà Út đã sắm sửa đầy đủ các vật dụng gia đình như máy giặt, tủ lạnh, xây nhà tắm, công trình phụ hợp vệ sinh. Nguồn nước có chất lượng tốt, không phải lo lắng như lúc còn dùng nước sông nên người dân cũng không còn nhiều lo lắng cho sức khỏe như trước đây.

Bà Út cho rằng chương trình tín dụng này rất có lợi cho người dân ở khu vực nông thôn như bà. Hình thức vay vốn và trả nợ phù hợp và thuận lợi với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn. Ví dụ với khoản vay 20 triệu của mình, mỗi 6 tháng một lần bà Út sẽ phải trả một phần nợ gốc, chia đều trong 60 tháng, tương đương 4 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, hàng tháng người vay sẽ đóng tiền lãi của khoản vay, khoảng 100.000 - 200.000 đồng tùy thu nhập và gửi tiết kiệm thêm một khoản tương ứng.

"Thời gian vay dài, trả nợ dần dần với số tiền trả hàng tháng tương đối ít nên gia đình ở nông thôn cũng có thể xoay xở được. Đến mùa thu hoạch trái cây có nhiều thì trả nhiều, rất tiện cho người vay", bà Út vui vẻ nói.

Những câu chuyện như của bà Út, bà Bảy không phải là hiếm ở Phong Điền. Nhờ chính sách cho vay, nhiều hộ gia đình đã có thể xây dựng công trình vệ sinh khang trang, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh. Chính sách cho vay đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo bà Hoàng Thị An, Tổ trưởng Tổ vay vốn ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, Tổ vay vốn của ấp hiện có 29 hội viên, vay vốn chủ yếu về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Bà con vay vốn sử dụng đều đúng mục đích và có ý thức trả nợ đúng hạn nên việc thu hồi nợ rất thuận lợi, không có nợ xấu liên quan đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội có thêm các chương trình tín dụng liên quan đến giải quyết việc làm nông thôn theo hình thức tín chấp để bà con có thể tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất như trồng cây ăn trái, qua đó cải thiện kinh tế của gia đình.

Chính sách cho vay tín dụng xây dựng công trình vệ sinh và tiếp cận nước sạch không chỉ đơn thuần là một chương trình hỗ trợ tài chính, mà còn là minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tiếp cận các dịch vụ cơ bản cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Những thành quả đạt được tại Phong Điền, Cần Thơ là một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của chính sách này.

Bên cạnh thuận lợi, việc cho người dân vay vốn để đầu tư lắp đặt nước sạch cũng còn một số vướng mắc khiến người dân chưa thể tiếp cận rộng rãi. Bà Nguyễn Thùy Trang, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết, Quyết định 62/2004/QĐ-TTg quy định các hộ dân sinh sống trên địa bàn khu vực các thị trấn không thuộc đối tượng thụ hưởng nên các đối tượng này chỉ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và ngân sách huyện nhưng do ngân sách còn hạn hẹp nên nguồn vốn cho vay hạn chế.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ Lăng Chánh Huệ Thảo, thực hiện Quyết định 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ gần 140.000 hộ dân với số tiền lên đến hơn 1.794 tỷ đồng, giúp xây dựng và cải tạo gần 210.000 công trình nước sạch và vệ sinh. Tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ chương trình này đạt gần 804 tỷ đồng, với 44.169 hộ vay vốn còn dư nợ, chiếm trên 19% dư nợ toàn thành phố.

Trong số đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Điền đã cho vay gần 30.000 khách hàng vay vốn để xây hoặc sửa chữa 74.000 công trình nước sạch và vệ sinh với số tiền 387 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7/2024, dư nợ chương trình này đạt 188 tỷ đồng, với 10.189 hộ vay vốn còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 35% tổng dư nợ toàn huyện.

Đối với vướng mắc về đối tượng vay vốn, ông Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết, mới đây vào ngày 15/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg về chính sách cấp tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quyết định này đã mở rộng đối tượng đến địa bàn thị trấn.

Cùng với đó là nâng mức hạn mức cho vay từ 10 triệu đồng lên 25 triệu đồng/công trình đã tạo điều kiện cho hộ vay có đủ vốn để xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn.

Để triển khai hiệu quả chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ cho biết Chi nhánh đã phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát nhu cầu vốn và được Ngân hàng Chính sach xã hội Việt Nam phân bổ vốn trong năm 2024 là 92 tỷ đồng.

"Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn; các hội, đoàn thể tuyên truyền hiệu quả khi vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Kịp thời cho vay đối với các đối tượng đủ điều kiện vay vốn chương trình này, góp phần nâng cao đời sống và sức khỏe nhân dân vùng nông thôn", ông Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết.

Nguồn bài viết