Giải thưởng Euréka tạo cơ hội cho lá tía tô vươn xa

3 năm trước 490
Chú thích ảnhGiải thưởng Euréka tạo cơ hội cho lá tía tô vươn xa. Ảnh minh họa.

Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka là giải thưởng cao quý và uy tín dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sáng lập năm 1999. Giải thưởng được trao cho 12 lĩnh vực, bao gồm: Công nghệ Hóa, Dược; Sinh-Y sinh; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kinh tế; Nông lâm ngư nghiệp…

Đề tài "Quy trình chế biến trà thảo mộc tía tô" của nhóm tác giả Nguyễn Duy Khánh, lớp Đại học Công nghệ thực phẩm 16 và Nguyễn Thị Ngọc Thắm, lớp Đại học Công nghệ thực phẩm 17 (Trường Đại học Tiền Giang), đã xuất sắc vượt qua 48 đề tài về lĩnh vực công nghệ thực phẩm của các trường đại học lớn trong cả nước tham gia, để đạt giải Nhì trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.

Nguyễn Duy Khánh, đại diện nhóm tác giả nghiên cứu đề tài chia sẻ: Lớn lên từ vùng quê chuyên canh rau ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, ngay từ nhỏ, Khánh đã quen với mùi vị hấp dẫn cùng màu sắc đặc trưng của lá tía tô, loại rau được ưa chuộng và có nhiều trong các món ăn miền quê. Tuy nhiên, giống như các loại nông sản khác, lá tía tô cũng gặp cảnh “được mùa, rớt giá”. Do đó, thu nhập của bà con trồng loại cây này bấp bênh, không ổn định, vì lá tía tô chỉ đơn thuần được sử dụng như những loại rau sống khác.

Khánh cho hay, trong quá trình học tập, nghiên cứu về công dụng của lá tía tô với bạn cùng nhóm (Nguyễn Thị Ngọc Thắm, lớp Đại học Công nghệ thực phẩm 17); đặc biệt là sự hướng dẫn, định hướng đề tài của giảng viên hướng dẫn là Tiến sĩ Trương Quốc Tất, các em đã thực hiện thành công đề tài “Quy trình chế biến trà thảo mộc tía tô”.

Theo nhóm tác giả, mục tiêu của đề tài là chế biến thành công sản phẩm giá trị gia tăng là trà thảo mộc tía tô túi lọc tiện dụng, chứa nhiều hợp chất sinh học và có thể dùng như một loại nước giải khát đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong việc phòng ngừa cũng như hỗ trợ điều trị bệnh. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn góp phần thúc đẩy mô hình trồng rau tía tô và các loại rau khác theo hướng an toàn cho sức khỏe, để chế biến và thương mại hóa các sản phẩm có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu thảo mộc của địa phương. Từ đó, nâng cao giá trị kinh tế cho cây tía tô nói riêng và các loại rau khác tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân trồng rau.

Nguyễn Thị Ngọc Thắm, lớp Đại học Công nghệ thực phẩm 17 (Trường Đại học Tiền Giang) cho biết, theo Đông y, hương vị của tía tô được đánh giá là sự pha trộn giữa hồi hương, cam thảo, quế và bạc hà. Chính vì vậy, tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, thuộc nhóm phát tán phong hàn có tác dụng hỗ trợ giải cảm, hạ sốt, giải độc do cua cá.

Lá và cây tía tô sau khi thu hoạch được rửa sạch, tách riêng thân, lá và phân tích các hoạt chất sinh hoạt, sau đó các mẫu tía tô được sấy ở nhiệt độ khác nhau để giữ lại hàm lượng hợp chất polyphenol có giá trị sinh học cao trong lá, và kết hợp với các loại thảo dược khác như: trà xanh, cỏ ngọt, gừng để chế biến trà thảo mộc tía tô túi lọc chứa nhiều hợp chất sinh học tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo nhóm tác giả nghiên cứu đề tài “Quy trình sản xuất trà thảo mộc tía tô”, kết quả ban đầu sẽ là cơ sở quan trọng góp phần vào việc đa dạng hóa mặt hàng trà trên thị trường, sử dụng nguồn nguyên liệu tía tô của địa phương để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, nâng cao giá trị cho cây tía tô địa phương, góp phần nâng cao đời sống người trồng rau.

“Nếu có điều kiện, tôi mong sẽ khởi nghiệp từ việc sản xuất và kinh doanh trà thảo mộc tía tô. Xa hơn, tôi có hướng nghiên cứu sử dụng nguyên liệu tía tô này để sản xuất một số sản phẩm thực phẩm chức năng (bột matcha, trà hòa tan) và mỹ phẩm (xà phòng, kem dưỡng da) có nguồn gốc từ thiên nhiên an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”, Nguyễn Duy Khánh chia sẻ thêm.

Nguồn bài viết