Giải pháp phòng, chống sạt lở ven biển, đảm bảo sinh kế người dân

2 tháng trước 32
Chú thích ảnhCông trình kè ven biển xã Thuận Hòa, huyện An Minh.

Tỉnh Kiên Giang có đường bờ biển trên đất liền dài hơn 200 km và từng là địa phương xảy ra sạt lở bờ biển nghiêm trọng uy hiếp trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất, mất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển và thiệt hại 42 căn nhà của người dân. Trước tình hình trên, được sự quan tâm của Trung ương, Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp công trình, phi công trình để vừa nâng cao hiệu quả phòng, chống sạt lở, vừa đảm bảo sinh kế và ổn định cuộc sống người dân.

Phát huy hiệu quả công trình phòng, chống sạt lở

Huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang là địa bàn thường xảy ra sạt lở đất rừng phòng hộ ven biển nặng nề do mưa bão trong hơn 20 năm (từ năm 1997 - 2020) với 42 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hàng trăm người phải di cư vì mất nhà, mất đất sản xuất.

Ông Tôn Văn Tường (70 tuổi), một trong những hộ bị thiệt hại do sạt lở thuộc xã Thuận Hòa, huyện An Minh cho biết, trước năm 1990, gia đình được giao khoán 10 ha đất rừng phòng hộ để trồng, bảo vệ rừng và nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế. Thế nhưng, sau những mùa mưa bão, sóng to gió lớn đã cuốn mất hơn 4 ha đất sản xuất và căn nhà của gia đình.

“Công trình kè chắn sóng được hoàn thành vào giữa năm 2023 đã bảo vệ an toàn khu vực rừng phòng hộ, vuông tôm cũng như vuông nuôi sò huyết của gia đình tôi và nhiều hộ dân được đảm bảo. Nhờ đó, nguồn thu nhập và cuộc sống của người dân được giao khoán đất rừng phòng hộ nói riêng, các hộ dân sống ven đê biển nói chung được ổn định hơn. Không chỉ vậy, kè chắn sóng còn tạo bãi bồi khoảng 2m, giúp khôi phục dần khu vực đất rừng phòng hộ. Hiện tại, bãi bồi khá cao, chỉ cách mặt nước biển khoảng 1m, có thể trồng rừng để nâng cao hiệu quả phòng, chống sạt lở về lâu dài”, ông Tường nói.

Chú thích ảnhÔng Tôn Văn Ghi (xã Thuận Hòa, huyện An Minh) phấn khởi vì khu vực sạt lở trước đây đang được gây bồi, tạo bãi sau khi có công trình kè ven biển.

Ông Tôn Văn Ghi, ngụ xã Thuận Hòa, huyện An Minh cũng cho hay, nhờ có kè chắn sóng, đến nay cuộc sống, sản xuất của người dân không còn bị đe dọa như trước. Tuy nhiên, khu vực từ kè chắn sóng trở vào đất rừng phòng hộ hiện hữu với chiều sâu khoảng 500m chạy dài ven biển đang bị một số người dân cắm sào phân ranh để khai thác thủy sản theo kiểu tự phát, tận diệt, ảnh hưởng đến quá trình gây bồi, tạo bãi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

“Tôi rất mong ngành chức năng và chính quyền địa phương có giải pháp ngăn chặn tình trạng trên và có giải pháp trồng rừng khu vực này để khôi phục dần diện tích rừng phòng hộ đã mất, đồng thời nên có chủ trương giao khoán để người dân cùng tham gia trồng, bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế giống như đã giao khoán đất rừng phòng hộ trước đây”, ông Ghi nói.

Sẽ giao khoán rừng phòng hộ

Chú thích ảnhNông dân xã Thuận Hòa, huyện An Minh thu hoạch sò huyết nuôi trong khu vực rừng phòng hộ ven biển.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh, tuyến ven biển của huyện dài 37 km được tỉnh duyệt chủ trương đầu tư 37 km kè chắn sóng, đến nay hoàn thành 32 km, còn hơn 5 km từ Xẻo Quao đến Xẻo Bần sẽ được tiếp tục đầu tư trong năm 2025. Hiện tại có hơn 2.000 ha đất rừng phòng hộ được ngành chức năng giao khoán cho người dân tham gia trồng, bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản với các mô hình nuôi tôm, sò huyết. Riêng khu vực tiếp giáp kè chắn sóng trở vào rừng phòng hộ với chiều dài hơn 500m là bãi trống nên người dân đề xuất Nhà nước giao khoán khu vực này để trồng rừng và phát triển nuôi trồng thủy sản.

“Phần diện tích đất rừng phòng hộ được giao khoán đã qua cho thấy mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống sạt lở. Việc giao khoán cũng đem lại hiệu quả cao cho các mô hình nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm, cua, sò huyết khu vực rừng phòng hộ của huyện. Chính vì vậy, ý kiến đề xuất của người dân về giao khoán thêm khu vực giáp kè chắn sóng trở vào khu vực rừng phòng hộ hiện có là chính đáng và huyện cũng tham mưu cấp trên xem xét”, ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư, đưa vào sử dụng 10 công trình kè ven biển với chiều dài gần 47 km, tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Các công trình đã xây dựng tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương. Hiện tỉnh tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển trên địa bàn huyện An Biên, An Minh và Hòn Đất, với tổng chiều dài 20 km, nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, công trình kè đã triển khai xây dựng chủ yếu bằng giải pháp xây dựng hai hàng cọc ly tâm hai bên, phía trong để đá hộc nhằm giảm sóng, tạo điều kiện gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Các công trình đã phát huy hiệu quả phòng, chống xói lở, góp phần phục hồi rừng ngập mặn ven biển và bảo vệ an toàn cho đời sống cũng như các khu vực sản xuất, hệ thống đê biển và cơ sở hạ tầng bên trong.

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Toàn cũng cho hay, diễn biến mưa bão, triều cường trong thời gian tới còn phức tạp. Các khu vực ven biển chưa có các công trình kè phòng, chống sạt lở sẽ có nguy cơ xảy ra sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn, từ đó có thể ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và cơ sở hạ tầng cũng như nhà cửa ven biển của người dân.

Chú thích ảnhÔng Đàm Quốc Trầm (xã Thuận Hòa, huyện An Minh) khai thác nghêu, sò khu vực kè ven biển để mưu sinh.

Hiện nay, khu vực ven biển tại thành phố Hà Tiên, Phú Quốc và huyện Hòn Đất, Kiên Lương có những đoạn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, nhưng do nhu cầu kinh phí lớn, trong khi còn nhiều khu vực cần được ưu tiên đầu tư cấp bách, các khu vực sạt lở nêu trên chưa được triển khai các công trình phòng, chống sạt lở. Tổng chiều dài bờ biển cần tiếp tục triển khai xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển là 38,51 km với nhu cầu kinh phí khoảng 1.626 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, việc quy định giao khoán được thực hiện theo Nghị định 168/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nông, Lâm nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, Nghị định này đang trong quá trình dự thảo lấy ý kiến để sửa đổi bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế và theo quy định hiện hành.

“Do đó, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 168/NĐ-CP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ để chỉ đạo Ban Quản lý rừng tiến hành rà soát toàn bộ diện tích bãi bồi ven biển (trong đó có diện tích kè chắn sóng), kiểm tra xác định đối tượng áp dụng nhận khoán. Trường hợp đủ điều kiện sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện giao khoán theo đúng quy định”, ông Lê Hữu Toàn nói.

Nguồn bài viết