Giá đất sôi sục khắp nơi

3 năm trước 305
Giá đất sôi sục khắp nơi - Ảnh 1.

Người dân nườm nượp rủ nhau đi mua đất để găm giữ tiền - Ảnh: V.T.

Giá đất sôi sục khắp nơi

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, khung giá đất hai tháng đầu năm 2021 được chính quyền các địa phương đồng loạt tăng từ 15-20% so với 5 năm trước. Nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung chưa có tín hiệu khả quan, nguồn cung thị trường vẫn thiếu, đặc biệt phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và đất nền.

Nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi dịch bệnh. Lãi suất ngân hàng giảm sâu cộng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán, vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và găm giữ bằng đất.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh nhu cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng mạnh. Đồng thời, đang xuất hiện nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Đính - tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết giá đất đang sôi sục khắp nơi, tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ, một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.

Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm - ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm.

Bên cạnh đó, hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn... xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều "cò mồi" thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.

Tuy nhiên, đây không phải lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp đang hoạt động tại các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, uy tín.

Giá đất sôi sục khắp nơi - Ảnh 2.

Buôn bán đất đang nhộn nhịp khắp nơi trong hai tháng đầu năm - Ảnh: B.S.

Cản trở thu hút đầu tư vào các địa phương

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, hệ quả tăng giá đất nóng, sốt sẽ hút nguồn lực xã hội vào vòng xoáy tăng giá đất đai, làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Nhiều loại tài nguyên trên đất đai bị xâm phạm, chuyển đổi chức năng không phù hợp quy định pháp luật. Cản trở rất mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương bởi tăng giá đất kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.

Tăng giá đất có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộ.

Điều này gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và các khu vực nóng sốt nói riêng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường - Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhấn mạnh.

Để chấn chỉnh tình trạng sốt đất hiện nay, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất. Quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn.

Đồng thời, các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.

Nhà nước cần phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản để người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản được chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Nguồn bài viết