Bác sĩ đang dùng thuốc kháng huyết thanh để tiêm cho bệnh nhân Đức - Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Chiều 10-4, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - chủ nhiệm khoa điều trị rắn cắn của Trung tâm nuôi trồng và nghiên cứu chế biến dược liệu (gọi tắt Trại rắn Đồng Tâm) cục Hậu cần Quân khu 9 tại Tiền Giang - cho biết bệnh viện vừa cấp cứu chống độc cho bệnh nhân Trần Văn Đức (38 tuổi, ngụ xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang đi làm vườn.
Theo người nhà bệnh nhân Đức, khoảng 7h cùng ngày, ông Đức đi làm vườn, khi đang tưới nước vườn sầu riêng của nhà mình thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Sau đó ông được người nhà đưa đến trại rắn Đồng Tâm cấp cứu trong tình trạng bàn chân trái sưng to, căng tức và đau nhức.
Khi đang nằm ở khoa cấp cứu rắn độc, ông Đức cảm thấy đau nhức dữ dội, lơ mơ và khó thở.
Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong tình trạng rất nặng. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu chống độc, dùng thuốc kháng huyết thanh và hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
"Khi bị rắn cắn, bà con nên bình tĩnh không được hốt hoảng. Phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Đáng chú ý đã từng có trường hợp do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, mỗi năm trung bình Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu cho khoảng 1.200-1.500 ca bị rắn cắn. Từ đầu năm 2022 đến nay trại rắn đã cấp cứu cho khoảng 215 ca bị rắn lục đuôi đỏ, rắn hổ mang cắn…