Cộng đồng xã hội chăm lo các đối tượng thuộc nhóm yếu thế bị ảnh hưởng do dịch

3 năm trước 387
Chú thích ảnhNhững người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Quận 7 (TP Hồ Chí Minh) rất vui khi nhận được quà an sinh. Ảnh: Hoàng Tuyết.

Mô hình đội phản ứng nhanh cứu giúp người yếu thế

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân cả nước, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương chịu ảnh hưởng nặng nề. Chính vì vậy, rất cần có những giải pháp, chính sách phù hợp chăm lo cho người yếu thế. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội), trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các nhóm yếu thế gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nhu yếu phẩm, dịch vụ thiết yếu, kết nối thông tin...  

“Từ ngày 9/7/2021, khi nhận thấy những vấn đề căng thẳng xã hội tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đã gửi những đề xuất đến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Hồ Chí Minh, thông qua Tổ tư vấn hoặc các cơ quan chức năng phụ trách an sinh xã hội. Lúc đó chúng tôi dự báo người nghèo và cận nghèo đã không còn khả năng cầm cự; phòng tuyến y tế vẫn được coi là nơi quan trọng nhất vừa truy quét, phát hiện, tấn công các ổ dịch nhưng chính phòng tuyến những người yếu thế mới dễ bị xuyên thủng diện rộng nhất trên tuyến trận chống dịch. Nếu không có lưới an sinh đủ rộng sẽ dẫn đến các hiệu ứng domino căng thẳng xã hội… Do đó, để đảm bảo phòng tuyến này vững vàng, phải dựa vào sự góp sức tổng lực của mạng lưới cứu trợ xã hội của cả nhà nước và tư nhân”, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hồ Chí Minh, kể từ ngày 23/8/2021 khi thành lập lực lượng phản ứng nhanh (đội SOS) ban đầu chỉ với 20 tình nguyện viên và đội ngũ hỗ trợ là thành viên của CLB Doanh nhân 20-30, lực lượng này làm nhiệm vụ “khi có thông tin cần cứu trợ, đội SOS từ Trung tâm An sinh Thành phố sẽ đi trao túi an sinh tới tay người dân”, bất kể là các địa điểm xa hay các ngõ nhỏ.

Thời gian qua, đội SOS đã trao trên 14.000 túi an sinh đến người dân, giúp chia sẻ áp lực với địa phương để cùng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Nhiều tình nguyện viên trong đội đã không quản thời gian sáng hay tối, trời mưa hay nắng, tự trang trải chi phí xăng xe để đi tình nguyện. Các thành viên của đội còn vận động bạn bè, nhà hảo tâm, để có thêm nguồn hàng hỗ trợ cho những điểm trao tặng mà người dân khó khăn nhưng không biết thông tin.

Đội SOS đã kịp thời "cứu đói" khẩn cấp cho những hộ gia đình khó khăn, cùng cực bởi dịch COVID-19. Những người trong đội cũng là một tuyên truyền viên để giải thích, động viên người dân cùng chia sẻ với cộng đồng để vượt qua đại dịch.

Hiện nay, hệ thống trung tâm an sinh các cấp đã hoạt động tốt hơn, có kho hàng sẵn sàng, có đội ngũ tình nguyện giao hàng (shipper); một số tình nguyện viên của đội SOS cũng chuẩn bị về với công việc chuyên môn khi Thành phố đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, do vậy đội SOS sẽ dừng việc chuyển túi an sinh trực tiếp tới người dân.

Bên cạnh đó, các tình nguyện viên đã tham gia đội SOS tiếp tục hỗ trợ giao hàng từ kho của Trung tâm An sinh Thành phố tới các kho của địa phương. Khi người dân khó khăn, cần cứu đói khẩn cấp, hãy liên hệ ngay địa phương nơi cư trú để được hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu nhanh và kịp thời nhất hoặc gọi tổng đài 1022 để được chuyển thông tin.

Đại dịch COVID-19 đã làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội hiện có liên quan đến sinh kế, nghèo đói, mất an ninh lương thực và phân biệt đối xử. Tác động của đại dịch đối với những lao động di cư, lao động phi chính thức, phụ nữ và các nhóm yếu thế khác là rất nghiêm trọng.

Nhanh chóng giải quyết những vấn đề phát sinh

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, trước những khó khăn của dịch bệnh các địa phương cần kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, chăm lo cho các đối tượng yếu thế những người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, đảm bảo bình đẳng giới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn có trong thị trường lao động và đã tạo ra một những bất bình đẳng giới mới. Đơn cử như việc phụ nữ sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm số giờ làm, phải làm các công việc thiếu ổn định và dễ rơi ra khỏi lực lượng lao động hơn so với nam giới.  

Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Hà Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết: Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, tổng đài tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở 20 Thụy Khuê tăng 140% so với cùng thời điểm này và chủ yếu những tư vấn của phụ nữ đều liên quan đến các vấn đề về gia đình, bạo lực gia đình, những khủng hoảng trong gia đình.

Theo đại biểu Hà Thị Nga, những vụ việc bạo lực gia đình như con giết cha, chồng sát hại vợ… đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân. Vấn đề bạo lực gia đình trong bối cảnh COVID có tác động hết sức nặng nề. “Do vậy, đề nghị cần phải có đánh giá sâu và thỏa đáng hơn về nội dung này và cần phải có những giải pháp đủ mạnh để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình, đảm bảo quyền của người phụ nữ, chăm sóc tốt cho đối tượng trẻ em trong giai đoạn tiếp theo”, đại biểu Hà Thị Nga nêu ý kiến.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng như hiện nay, đối tượng học sinh, các cháu nhỏ cũng cần đặc biệt quan tâm.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, học sinh cấp 1, cấp 2 phải nghỉ học kéo dài, bước vào năm học mới thị lại học online, do đó hầu như các bạn nhỏ phải ở nhà trong môi trường không có giao lưu, ít có bạn bè, đó cũng là vấn đề cần phải quan tâm thêm. Hệ lụy từ việc trẻ không đến trường, không được giao tiếp với bạn bè… cần có nghiên cứu tác động ảnh hưởng cụ thể đến tâm sinh lý của trẻ nhỏ. “Ngành giáo dục cũng như ngành y tế cũng cần phải có một chiến lược, quyết sách để chúng ta xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ nhỏ”, đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong đại dịch. Cần có chính sách chăm lo cho đối tượng là người cao tuổi trong bối cảnh đại dịch. Hiện tại chúng ta có khoảng 10 triệu người cao tuổi và trong thời gian tới tỷ lệ này sẽ tăng lên. Tuy nhiên, công tác quan tâm chăm sóc người già hiện nay chưa có hệ thống và hiệu quả chưa cao. Cần đổi mới, có lộ trình thực hiện trong công tác chăm sóc người cao tuổi; có nhiều hoạt động chăm lo cho người cao tuổi, tạo điều kiện giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trước hết, quan tâm tạo không gian vui chơi của người cao tuổi, sau đó tới những nơi chăm sóc sức khỏe, tiến tới là các viện dưỡng lão cho người cao tuổi;…

Chú thích ảnh
Nguồn bài viết